Vận chuyển thịt heo bị dịch tả trái phép chịu mức phạt ra sao?

Ngang nhiên vận chuyển thịt heo dịch bệnh trái phép

Dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan trên diện rộng và ngày càng phức tạp tại một số tỉnh trong cả nước. Theo thống kê tới ngày 7-6 đã có 54 tỉnh với gần 3.800 xã có có dịch, tiêu hủy 2,4 triệu con lợn bị nhiễm dịch bệnh… Các cơ quan chức năng phải huy động nhân lực để kiểm tra ngăn chặn không cho dịch tả lây lan sang các tỉnh thành còn lại. Song vì lợi nhuận nhiều tiểu thương đã bất chấp vận chuyển, mổ thịt heo bị nhiễm dịch tả, hay thịt từ vùng bị dịch, hoặc thịt không đảm bảo nguồn gốc ra thị trường.

Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn. Ảnh: SGGP

Đơn cử, mới đây cán bộ Đội quản lý thị trường số 1, TP Hà Giang phát hiện một xe tải chở 537 kg thịt heo giấu trong bao tải từ vùng nhiễm dịch tả heo châu Phi đi tiêu thụ. Chủ lô hàng là bà Vương Thị Loan (trú tại tổ 1, P.Minh Khai, TP Hà Giang) khai nhận mua số thịt heo trên tại TT.Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), nơi có dịch tả heo châu Phi để vận chuyển vào xã Phương Thiện tiêu thụ. 

Cuối tháng 5 vừa qua, chi cục chăn nuôi và thú y, Cục quản lý thị trường Quảng Nam đã bắt giữ một xe tải chở heo dương tính với virus dịch tả heo được vận chuyển từ tỉnh Bắc Ninh vào Quảng Ngãi để tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra xe có chứa 39 con heo, trong đó có năm con heo đã chết, có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả heo châu Phi. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ chiếc xe tải và lấy 3 mẫu/3 con heo chết để gửi đi xét nghiệm thì đều dương tính với dịch tả heo châu Phi. 

Hay cách đây không lâu ngày 18-5 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai phối hợp lực lượng chức năng huyện Trảng Bom và xã Bình Minh tiêu hủy hơn 4 tấn thịt dương tính với dịch tả heo châu Phi trong kho lạnh của một hộ dân trên địa bàn.

Phạt nặng với hành vi vận chuyển thịt heo dịch bệnh trái phép

Luật sư Khưu Thanh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngàng thú y có thẩm quyền. Hoặc sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều là các hành vi bị cấm theo Luật thú y 2015 và Luật an toàn thực phẩm 2010.

Theo đó, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng chiếc xe chở heo. Ảnh: TTO

Đơn cử, đối với hành vi lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật dễ nhiệm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 90/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y được ban hành ngày 31-7-2017.

Phạt từ 5 triệu- 6 triệu đồng theo điểm a, khoản 5 Điều 8, NĐ 90/2017, đối với hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

Đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo khoản 5 điều 6 Nghị định 90/2017.

Luật sư Tâm cũng lưu ý, các mức phạt trên được áp dụng với tiểu thương là cá nhân, còn đối với tiểu thương là tổ chức thì sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo Điều 4 Nghị định 90/2017. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Còn khi tiêu thụ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng thì tùy theo mức độ mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm