Cô gái 27 tuổi War Nu rời ngôi làng của mình ở miền Trung Myanmar vào cuối năm 2017 để sang Nhật Bản. Cô đã vay gần 3.000 USD để trả cho một nhân viên môi giới với hy vọng kiếm được việc làm trong ngành dệt may ở xứ mặt trời mọc. Cô bị mê hoặc không chỉ bởi lời đề nghị một khoản lương cao hơn mà còn bởi cơ hội học được những kỹ năng mới tại một đất nước nổi tiếng về công nghệ hiện đại.
Cuối cùng, công việc cô có được chỉ là xếp quần áo vào hộp giấy bồi từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, thậm chí đến nửa đêm, sáu hoặc bảy ngày mỗi tuần. Khoản lương cơ bản bằng tiền yen, tương đương 530 USD/tháng, chỉ bằng phân nửa so với mức mà cô được hứa hẹn, trong khi chủ của War Nu luôn miệng quát mắng cô. “Điều đó thật độc ác. Hằng ngày tôi bị stress, lo lắng. Tôi không biết phải nói như thế nào. Tôi đang khóc ròng” - War Nu chia sẻ.
Theo báo The Washington Post, War Nu đến Nhật theo Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật (TITP), vốn lâu nay được thiết kế nhằm giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời hỗ trợ các nước trong khu vực. Theo tên gọi, chương trình được thiết kế để đào tạo cho các lao động, chủ yếu là người châu Á, trong 3-5 năm trước khi đưa họ về nước.
Nước Nhật thức tỉnh
Đối mặt với tình trạng dân số giảm và già đi nhanh chóng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tháng trước đã đệ trình Quốc hội nước này một dự luật cho phép tiếp nhận đến 345.000 lao động nước ngoài trong năm năm tới. Động thái này đã gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội tại Quốc hội và trên truyền thông, trong đó các đảng đối lập yếu kém có cơ hội hiếm hoi thu hút dư luận khi lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng Abe là mơ hồ và được chuẩn bị tồi. Đặc biệt, nhiều người nói rằng nhà lãnh đạo Nhật trước hết cần giải quyết vấn đề tồn tại là chương trình nói trên, trước khi mở cửa đón hàng trăm ngàn lao động bổ sung.
“Nhân danh đào tạo kỹ thuật, chương trình này đã sử dụng những người nước ngoài làm nhân công rẻ mạt và sẵn có để lấp đầy tình trạng thiếu hụt. Chúng ta phải sửa đổi thiết kế chương trình này vì phẩm giá quốc gia” - ông Shiori Yamao, thủ lĩnh đảng Dân chủ hợp hiến Nhật, phát biểu.
Khi cuộc tranh cãi bùng lên, truyền thông Nhật bắt đầu nhận thức những vấn đề cố hữu của TITP với nhiều tin, bài trong những tuần gần đây về “lao động bị cưỡng ép”, “những điều kiện như địa ngục”, quấy rối tình dục và lao động bị đối xử như “nô lệ”. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 10, Hiệp hội Luật sư Nhật Bản đã kêu gọi bãi bỏ toàn bộ hệ thống này. “Trên thực tế, chúng tôi nghĩ chương trình đó hầu như chẳng có chút gì về đào tạo” - The Washington Post dẫn lời luật sư Masachi Ichikawa nhận định.
War Nu, cô gái Myanmar đã phải “nếm mùi” tại Nhật. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Nan, một cô gái khác đến Nhật để làm thực tập sinh trong một công ty may. Ảnh: THE JAPAN TIMES
Bài vị của một lao động Việt chết tại Nhật ở đền Nisshinkutsu. Ảnh: THE ASAHI SHIMBUN
Những câu chuyện buồn
Hiện tại, khoảng 270.000 người nước ngoài, chủ yếu đến từ Việt Nam (VN), Trung Quốc, Philippines và Indonesia, làm việc tại Nhật theo chương trình TITP. Số lao động đã tăng 20% trong hai năm 2016 và 2017. Một số người làm việc trong ngành nông nghiệp, chẳng hạn như hái dâu ở tỉnh Ibaraki hoặc rau diếp ở tỉnh Nagano, trong khi những người khác làm việc trong lĩnh vực chế tạo và xây dựng.
Gifu, TP ở miền Trung nước Nhật, là trung tâm của ngành dệt may nước này, vốn phải dựa ngày càng nhiều vào nguồn lao động nước ngoài giá rẻ để duy trì khả năng cạnh tranh. Làm việc tại một công ty có tên gọi King Style, War Nu nói rằng cô bị chủ đối xử như một nô lệ hơn là một thực tập sinh. “Mỗi ngày, những lời nói xúc phạm không ngừng tuôn ra và tôi thậm chí không được phép nói chuyện với bạn. Nếu tôi không tuân lời, ông ta dọa trả tôi về Myanmar. Tôi sợ lắm nhưng phải chịu đựng” - War Nu bày tỏ.
Cô và bốn phụ nữ khác ở chung trong hai phòng bên trên xí nghiệp và hầu như không có đủ thời gian để ăn và ngủ. Báo The Washington Post đã phỏng vấn tám phụ nữ khác ở Gifu và những người này cũng kể những câu chuyện tương tự về việc các chủ sử dụng lao động trả lương ít hơn cam kết, buộc họ làm việc nhiều giờ hơn mong đợi và thường chẳng được đào tạo gì. Về phần mình, War Nu có may mắn hơn khi được đổi sang chỗ làm mới với điều kiện tốt hơn nhờ sự can thiệp của Liên minh các nghiệp đoàn lao động Myanmar và một nghiệp đoàn Nhật.
Chính tình trạng lạm dụng cố hữu như thế trong hệ thống đã khiến các lao động bỏ trốn. Khoảng 7.000 người đã biến mất hồi năm ngoái và thêm 4.300 người khác trong sáu tháng đầu năm nay. Nhiều người trong số này phải làm việc lén lút như những lao động không có giấy tờ.
Nhưng bỏ trốn không phải là giải pháp duy nhất đối với các thực tập sinh nước ngoài ở Nhật. Tại đền Nisshinkutsu ở thủ đô Tokyo có thêm một số bài vị ghi chữ Việt được đặt lên bàn thờ. Theo báo Nhật The Asashi Shimbun, có 81 người Việt đã qua đời trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 7-2018 được đặt bài vị tại đây. Phần nhiều trong số này là sinh viên hoặc thực tập sinh kỹ thuật ở độ tuổi 20-30. Có bốn người đột tử vào tháng 7 vì nhiều nguyên nhân, bao gồm tự tử và ba người trong số này là thực tập sinh kỹ thuật.
Trong ba bài vị đặt ở đền Nisshinkutsu, có một người từng làm công việc liên quan đến sơn công nghiệp và đã tự sát vào ngày 15-7. Anh để lại bức thư tuyệt mệnh cho công ty, em trai cũng đang sống tại Nhật và gia đình tại VN với nội dung chán nản và tuyệt vọng về công việc. “Thật đau đớn vì có quá nhiều bạo lực” - bức thư viết. Trước đó một ngày, người này đã gọi điện thoại cho cậu em nói rằng: “Anh cô đơn quá! Anh đang uống bia một mình”. Ngày hôm sau, người ta phát hiện anh này tử vong trong tư thế treo cổ.
Nhận thấy chương trình trên đang tạo ra tiếng xấu cho đất nước, năm ngoái Nhật đã sửa đổi luật về thực tập sinh nhằm tăng cường giám sát các công ty có thể vi phạm quy định và thành lập tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ thuật mới để giám sát chương trình. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động xã hội, vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trên thực tế. Do Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ dân số già, họ cũng cần thêm lao động nước ngoài trong những năm tới. Chính phủ Nhật biết rằng nước này phải tăng cường khả năng cạnh tranh nếu muốn thu hút những lao động nước ngoài tốt nhất và đó là lý do tại sao ông Abe cuối cùng quyết định nới lỏng những hạn chế và vận dụng cơ chế thị thực mới đối với lao động nước ngoài.
Con số ấn tượng Tờ The Asashi Shimbun dẫn thống kê của Bộ Tư pháp Nhật cho thấy số người VN đến sống ở xứ mặt trời mọc đã tăng bảy lần, từ hơn 36.131 người vào năm 2007 lên đến 262.405 người vào năm 2017 do quan hệ song phương Việt-Nhật khởi sắc cũng như tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật. Con số được ghi nhận năm 2017 giúp VN vươn lên hàng thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc về số người sinh sống ở Nhật. Trong khi đó, số thực tập sinh Việt tại Nhật là 57.581 người tính đến cuối năm 2015, vượt qua Trung Quốc vào cuối năm 2016 và đạt mốc 123.563 người vào cuối năm 2017. |