Tuy nhiên, do áp lực giá xăng dầu tăng liên tục nên giá cước tăng là điều khó tránh.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet từ chiều 31/8, nhiều hành khách từ Hà Nội đi xe về quê đã tỏ ra bất bình trước tình hình giá vé tăng đột biến so với ngày thường.
Ra bến xe Giáp Bát để lên xe về quê ở thị trấn Chuối (Nông Cống, Thanh Hóa) khi lên xe chị Lê Thị Thu đã hết sức bất ngờ khi nhà xe Tiến Phương tăng giá vé quá cao so với ngày thường.
Nhiều doanh nghiệp vận tải tăng giá vé trong dịp nghỉ lễ 2/9.
“Ngày thường về quê nhà xe này chỉ thu 80.000 đồng/ người nhưng hôm nay nhà xe đã thu với mức giá 120.000 đồng/ người. Khi hành khách phản ứng thì được nhà xe giải thích là do tình hình xăng dầu tăng liên tiếp nên nhà xe cũng phải tăng giá vé để bù đắp cho giá nhiên liệu”, chị Thu cho biết.
Cũng chịu cảnh nhà xe viện cớ xăng dầu tăng để tăng giá vé như chị Thu, anh Vũ Hồng Quang ở xã Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho biết, bình thường đi từ bến xe Nước Ngầm về đến nhà anh chỉ mất 120.000 đồng, nhưng chiều 31/8 khi về nhà, một nhà xe ở Nghệ An đã tăng mức vé lên 170.000 đồng/ người.
Tương tự, nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội - Phủ Lý cũng phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định, Ninh Bình vì nếu không nhà xe sẽ không chịu chở.
Anh Lê Mạnh Hồng, ở Phủ Lý, Hà Nam cho biết, sáng nay (1/9) đi từ bến xe Giáp Bát về nhà anh đã phải trả với mức giá 60.000 đồng. Mức giá này gần gấp đôi so với những ngày thường anh vẫn hay đi.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải hành khách cho biết, chắc chắn việc xăng dầu tăng giá liên tiếp trong thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cước vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng. Tuy nhiên, điều chỉnh mức tăng theo giá xăng dầu cùng lắm chỉ giao động từ 20 đến 25% chứ không thể tăng quá cao được.
“Với mức giá xăng dầu tăng như hiện nay thì giá cước vận tải hành khách chỉ được điều chỉnh tăng từ 20 đến 25% là cùng, còn nhà xe nào tăng hơn mức giá trần 25% chứng tỏ nhà xe đó đang lợi dụng dịp nghỉ lễ để bắt chẹt khách”, đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết .
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 14 doanh nghiệp vận tải hành khách tại 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm tăng giá cước trong đó doanh nghiệp tăng cao nhất là 25% thấp nhất là 4%.
Cụ thể, tuyến Hà Nội-Thái Nguyên có Công ty Thái Hoàng tăng cao nhất 25%, từ 50.000 đồng/lượt lên 65.000 đồng/lượt; các tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn, Nam Định tăng trên dưới 20%; một số tuyến ngắn khác có mức tăng trên dưới 10%.
Về tình trạng các nhà xe tăng giá vé trong hai ngày vừa qua, ông Trung cho biết, dù Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam và công ty đã khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải hành khác không tăng giá vé vào thời gian cao điểm đi lại trong kỳ nghỉ lễ 2/9, nhưng do áp lực giá xăng dầu tăng liên tục nên giá cước tăng là điều khó tránh.
Được biết, ngoài 14 doanh nghiệp vận tải trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang rục rịch tăng giá cước.
Theo Vũ Điệp (VNN)