Tại buổi chia sẻ “Hành trình hiểu về nhau” do PFLAG Việt Nam và Trung tâm ICS tổ chức tại TP.HCM ngày 22-10, nhiều người tham dự thỉnh thoảng lại lặng đi khi nghe chia sẻ tự đáy lòng của những ông bố, bà mẹ có con là người LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới nam hoặc nữ).
Vượt qua áp lực của người thân, dòng họ
Câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Tấn chia sẻ khiến nhiều người chúng ta suy nghĩ rất nhiều. Trí, con ông Tấn, chưa bao giờ thổ lộ với cha mẹ về giới tính của mình. Nhưng bằng linh cảm của bậc làm cha mẹ, vợ chồng ông Tấn đã sớm nhận ra sự khác thường nơi con. Thế nhưng để tiến tới đồng cảm cùng con và cho cả dòng họ biết sự thật về giới tính của Trí, là một hành trình đầy nước mắt của vợ chồng ông Tấn.
“Dòng họ tôi đều sinh sống ở miền Trung, vẫn còn rất nặng nề lề thói gia trưởng. Trí lại là cháu đích tôn, tương lai hương khói cho dòng họ nên rất khó để chấp nhận việc Trí không được bình thường. Cho đến giờ này, nhiều lúc vợ tôi vẫn thường khóc và cho rằng cô ấy có lỗi với tôi và dòng họ, điều này làm tôi rất đau lòng” - ông Tấn run run kể về quãng thời gian khó khăn của cả gia đình.
Cho rằng không thể giữ mãi bí mật vì sớm muộn dòng họ cũng biết, bằng tình yêu thương con vô bờ, ông Tấn đã can đảm lựa lúc ông bà nội của Trí vui nhất để nói ra khi mẹ Trí thì đang trốn ở một góc nào đó (còn Trí thì đang học ở thành phố). Sau đó, lựa buổi họp mặt dòng họ đông đủ mừng một sự kiện vui, ông Tấn tiếp tục tuyên bố bí mật ấy với mọi người. Những người trong dòng họ chết lặng. Nhưng rồi sự thật vẫn cứ là sự thật, không thể khác đi được…
Rồi, từ sự cố gắng học tập và biết quan tâm đến mọi người của Trí, dòng họ ông Tấn cũng chấp nhận và ngày càng hiểu những thiệt thòi của Trí và yêu Trí hơn. “Kinh nghiệm này bố muốn truyền cho các con, các con nên chọn thời điểm phù hợp để công khai với gia đình, phù hợp với tính cách của bố mẹ thì mới hiệu quả” - ông Tấn nhắn nhủ các bạn là LGBT cũng trạc tuổi con mình trong hội trường.
Người chuyển giới nữ Nguyễn Huỳnh Tố An bật khóc khi nhớ lại thời gian công khai cho cha mẹ biết. Ảnh: G.NGHI
Chẳng những không bị kỳ thị mà còn được chia sẻ
Quá trình chấp nhận con của bà Đinh Thị Yến Ly, phụ huynh của người đồng tính nam Nguyễn Đăng Khoa, cũng khó khăn và gian nan không kém. Dù sống ở TP.HCM và làm việc trong môi trường trí thức nhưng bà Ly cũng phải mất khoảng năm năm để công khai mình là phụ huynh của một đứa con thuộc giới LGBT.
Có một nỗi sợ khủng khiếp mà bà Ly không dám đối diện là sự xì xào, kỳ thị của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm.
Còn nhớ năm 2013, dù là thành viên tích cực vận động sửa Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng cởi mở hơn với người LGBT, bà Ly vẫn chỉ dám cho PV chụp ảnh mình từ sau lưng và khi tường thuật nhà báo phải thay tên đổi họ cho bà. Nhưng sau đó, đài BBC liên hệ bà để làm một clip về quá trình đồng hành cùng con khi con là LGBT. Sở dĩ bà đồng ý lên đài là vì bà nghĩ đài này ở Việt Nam không có ai xem. Tuy nhiên, khi chưa kịp xem clip phát thì bà Ly đã nhận được vô số tin nhắn trên Facebook, kể cả những cú điện thoại gọi động viên, chia sẻ.
“Trái với sự lo lắng rằng mọi người sẽ kỳ thị, các tin nhắn đều động viên và trách sao không chia sẻ với mọi người sớm hơn. Đây là bước ngoặt lớn giúp tôi công khai đồng hành cùng con. Sau việc này, tôi rút ra chỉ cần chúng ta sống tử tế, đàng hoàng thì không vì mình có con khác biệt mà họ sẽ từ bỏ mối quan hệ đã gầy dựng sẵn có. Bố mẹ có rất nhiều khó khăn để chấp nhận các con, các con cũng phải hiểu được điều này thì mới giúp cho quá trình hiểu nhau tốt đẹp hơn” - bà Ly xúc động nói.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, phụ huynh của người chuyển giới nữ Nguyễn Huỳnh Tố An, kể khi phát hiện con mình thuộc giới tính thứ ba, bà đã rất sốc. Bà dẫn con đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác để… điều trị.
“Con xưa nay chưa bao giờ làm phật lòng ai, khi phát hiện con như vậy, tôi không thể nào chấp nhận. Một thời gian con cảm thấy ngột ngạt quá nên ra ngoài sống. Thời gian này tôi mới bắt đầu tìm hiểu dần về giới tính thứ ba là thế nào, thế mà cũng phải mất hai năm mới hiểu được con. Giờ đây tôi thấy điều đó là bình thường, miễn là con có việc làm ổn định, con vui và hạnh phúc là đủ rồi” - bà Ngọc chia sẻ.
“Không có gì phải xấu hổ” Tôi từng trải qua thời gian khó khăn khi mẹ bắt đầu nhận ra bất thường ở mình. Dù hai mẹ con ở chung nhà nhưng rất khó giao tiếp với nhau. Thay vì có những biểu hiện tiêu cực, tôi đã tập trung nỗ lực vào việc học để chứng minh cho mẹ thấy con sẽ sống tốt, trở thành người có ích cho xã hội. Tôi nghĩ không có gì phải xấu hổ khi mình là người đồng tính, sự xấu hổ nếu có là do mình sống và học hành không đàng hoàng mà thôi. NGUYỄN ĐĂNG KHOA, giảng viên ĐH Công nghệ TP.HCM |