Vào ngày Tết Độc lập 2-9, trên dòng sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại rộn ràng tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống.
Lễ hội này từ lâu đã trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Quốc khánh.
Cả tháng chuẩn bị bơi, đua thuyền
Để làm nên thành công của lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang mừng Tết Độc lập, người dân Lệ Thuỷ thường chuẩn bị trước cả tháng.
Các khâu từ chọn thợ đóng thuyền mới, sửa sang lại thuyền cũ; chọn trai, gái vận động viên đến tổ chức luyện tập, kiểm tra sức khoẻ đều được đầu tư, thực hiện hết sức bài bản, chuyên nghiệp.
Không khí rộn ràng, tươi vui mỗi dịp Quốc khánh trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: B.THIÊN |
Từ đầu tháng 8, hai bờ dòng Kiến Giang cờ đỏ rợp trời. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng gọi nhau cổ vũ í ới dậy cả mặt sông. Trong không khí rộn rã, các trai bơi, gái đua ra sức tập luyện.
Ở Lệ Thuỷ, thuyền bơi nam gọi là đò bơi nam, thuyền bơi nữ gọi là đò đua nữ. Đò bơi nam có khoảng 30-32 người, ngồi chầm với mái chèo ngắn. Đò đua nữ 16 người, đứng chèo với mái chèo dài.
Quảng đường thi đấu, tranh tài có tổng chiều dài 24 km đối với đò bơi nam và 18 km đối với đò đua nữ. Do đó, trai bơi, gái đua được tuyển chọn tham gia lễ hội đều là những người khoẻ mạnh, có độ bền và dẻo dai.
Các vận động viên đang ra sức tập luyện chuẩn bị cho ngày tranh tài sắp tới. Ảnh: B.THIÊN |
Theo UBND huyện Lệ Thuỷ, tham gia lễ hội năm nay có 24 đò bơi nam và 10 đò đua nữ với sự góp mặt của hơn 1.000 vận động viên đăng ký tranh tài.
Trong đó, ngày 25-8, 24 đò bơi nam sẽ bơi vòng loại để chọn ra 12 đò bơi hạng A và 12 đò bơi hạng B, chuẩn bị cho vòng chung kết được tổ chức chính thức vào ngày 2-9.
Đón Tết Độc lập lớn nhất cả nước
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang sơ khai là hội bơi, đua cầu đảo của làng, của tổng. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lễ hội tổ chức thường niên hằng năm vào Quốc khánh 2-9.
Lễ hội không chỉ là sân chơi lành mạnh, đậm chất dân gian, giàu tính cộng đồng, mà còn là dịp quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy với bạn bè trong và ngoài nước.
Hàng năm, Tết Độc lập cũng là dịp để con cháu báo công, báo hiếu với gia tộc, tổ tiên. Ảnh: B.THIÊN |
Có thể nói, hiếm nơi nào đón Tết Độc lập lớn như ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài tổ chức lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, hầu như các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ đều tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao như: Thi đấu bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, thi đối đáp hò khoan Lệ Thuỷ…
Nhiều nghi thức văn hóa tâm linh, báo công, báo hiếu với gia tộc tổ tiên, giáo dục truyền thống cách mạng cũng được người dân địa phương tổ chức vào dịp này. Đặc biệt, đối với con em người Lệ Thủy làm ăn sinh sống ở xa thì đây là dịp để về hội tụ, vừa xem bơi, đua nhưng cũng để thăm gia đình, người thân.
Tất cả tạo nên một bầu không khí nô nức, rộn ràng, lòng người phấn chấn, cờ hoa rợp trời tưng bừng sắc màu lễ hội.
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được UBND tỉnh công nhận là lễ hội Văn hóa - Thể thao cấp tỉnh từ năm 2003 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2019.