Tờ Los Angeles Times cho biết công nghệ do thám chuyên biệt mang tên MASINT cho phép Mỹ nhận dạng và lần theo các tín hiệu điện tử giống như cách hoạt động của radar. Quân đội Mỹ sở hữu các đội vệ tinh ghi dò âm thanh, vệ tinh cảnh báo sớm và những vệ tinh này có khả năng nhận dạng vị trí của nơi phóng cùng đường bay của tên lửa.
Cũng như phía Nga đã nêu rõ từ đầu, vào thời điểm MH17 bị bắn, vệ tinh Mỹ đã bay qua khu vực này và đã ghi nhận được diễn biến sự việc. Tuy nhiên, đáp lời Nga, Bộ quốc phòng Mỹ chỉ “ậm ừ” về việc có hay không khả năng đó rồi đánh lạc hướng bằng việc đưa ra chỉ trích Nga lén lút cung cấp vũ khí cho phe ly khai.
Hệ thống tên lửa Buk
Nhưng đến hôm qua, một quan chức cấp cao của Mỹ, yêu cầu giấu tên, khi phát biểu tình báo Mỹ đã theo dấu được quả tên lửa bắn vào MH 17 ngay khi nó rời bệ phóng. Tên lửa này đã gần như được phóng thẳng đứng vào chiếc máy bay. Điều này rõ ràng ám chỉ khu vực xuất phát của tên lửa là vùng quân ly khai chiếm đóng.
Mỹ không nói rõ họ phát hiện vụ việc vào đúng thời điểm nó xảy ra hay sau khi dò lại các dữ liệu vệ tinh của họ.
Thi thể các nạn nhân đang được chuyển ra khỏi vùng chiến sự
Ông Riki Ellison, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa (MDAA) tại Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc hoàn toàn có thể nắm được vụ phóng tên lửa này từ tín hiệu nhiệt và xác định chính xác vị trí phóng lên từ cảm ứng nhiệt.
Như vậy, nếu nắm trong tay bằng chứng quan trọng ấy, vì sao từ ban đầu Mỹ không lên tiếng xác nhận? Điều này đặt ra nghi vấn Mỹ đang muốn gia tăng chứng cứ buộc tội quân ly khai và bảo vệ chính phủ Ukraine khỏi ảnh hưởng của vụ tấn công đầy tai tiếng này.
Nhân Chính (Theo LA Times)