Vì đâu tổng thống Ai Cập bị phản đối?

Đó là lý do hàng triệu người xuống đường biểu tình đòi tổng thống từ chức. Trang web bình luận chính trịThe Commentator (Anh) đã nhận định như trên.

The Commentator nhận xét sau khi lên cầm quyền cách đây một năm, Tổng thống Mohamed Morsi chỉ chăm bẳm củng cố quyền lực trong khi phớt lờ các vấn đề kinh tế và an ninh. Trớ trêu thay, cách thức củng cố quyền lực như thế lại có tác dụng ngược làm suy yếu địa vị của ông.

Ai Cập trải qua thời kỳ thảm họa kinh tế kéo dài nhiều năm qua. Giá cả hàng hóa gia tăng và bất công xã hội sâu sắc là nguyên nhân khiến người dân đứng lên lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Kể từ đó, khủng hoảng nợ và dự trữ ngoại hối của Ai Cập ngày càng trầm trọng. Tổng thống Mohamed Morsi nhận thức rõ các vấn đề này nhưng đã không quyết liệt hành động khiến kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Điển hình trong thất bại về điều hành kinh tế là sự kiện Tổng thống Mohamed Morsi không thương thuyết được khoản vay 4,8 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF đòi hỏi Ai Cập phải giảm thâm hụt ngân sách (14% GDP) bằng cách tăng thuế và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, thực phẩm. Ông Mohamed Morsi không chấp nhận và thế là xôi hỏng bỏng không.

Thất bại thứ hai là Tổng thống Mohamed Morsi đã không thể khôi phục an ninh trong nước, đặc biệt là nạn vô luật pháp trên đường phố. Đây là nguyên nhân khiến du khách đến Ai Cập suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu du lịch vốn chiếm hơn 1/10 tỉ trọng GDP và cung cấp gần 3 triệu việc làm.

Trong năm 2012, số vụ giết người tăng gấp ba lần so với năm trước, số vụ cướp có vũ trang tăng 1.204% so với năm 2010, số vụ bắt cóc tăng gấp bốn lần so với năm 2011. Buôn bán vũ khí trên thị trường chợ đen sôi động hơn bao giờ hết vì bọn tội phạm cần súng để đi cướp còn người dân cần súng để phòng thân.

Báo USA Today(Mỹ) dẫn lời chuyên gia Paul Sullivan ở ĐH Georgetown (Mỹ) nhận định gốc rễ dẫn đến biểu tình chống đối tổng thống ở Ai Cập chính là tình hình kinh tế vốn đã bất ổn lại càng trở nên suy kiệt từ khi Tổng thống Mohamed Morsi lên cầm quyền. Nợ công từ 30 tỉ USD trước cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak đã tăng đến mức 40 tỉ USD như hiện nay.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm