Trao đổi nhanh với Pháp luật TP.HCM sau khi Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bất ngờ hủy buổi ăn trưa làm việc mở rộng, và cả buổi lễ ký tuyên bố chung như dự kiến, TS Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), cho rằng khả năng cao là hai bên đã gặp phải những bất đồng vô cùng nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của Pháp luật TP.HCM, hơn 13 giờ hôm nay (28-2) kế hoạch ăn trưa làm việc giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đã bị hủy, và hai bên cũng hủy cả buổi lễ ký tuyên bố chung.
Lý giải nguyên nhân, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết vì các cuộc thương lượng ban đầu giữa ông Trump và ông Kim đi quá thời gian. Bà Sarah Sanders nói với báo chí đang chờ để đưa tin về bữa trưa rằng các sự kiện trên đã bị hủy. Theo bà Sanders, ông Trump sẽ về lại khách sạn, bắt tay họp báo vào lúc 2 giờ. Bà Sanders từ chối bình luận khi được hỏi nhiều lần về lễ ký tuyên bố chung theo dự kiến ban đầu diễn ra vào 2 giờ chiều nay.
Trong khi đó, tại buổi họp báo sau cuộc gặp với ông Kim, tổng thống Trump cho biết ông Kim muốn xóa bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng muốn Mỹ dỡ bỏ mọi trừng phạt trước, điều mà ông Trump nói là ông không muốn. Ông Pompeo tiếp lời rằng dù khu phức hợp hạt nhân Yongbyon có được xóa bỏ thì vẫn còn các cơ sở khác cũng như nhiều vũ khí khác vẫn còn đó. Ông Trump nói ông rất muốn dỡ bỏ trừng phạt cho Triều Tiên, vì ông tin tưởng ở tiềm năng của Triều Tiên.
TS Nguyễn Việt Phương nói qua điện thoại với Pháp luật TP.HCM rằng “Tôi rất lấy làm tiếc khi Mỹ-Triều không tiến hành ký kết tuyên bố chung, mặc dù trước đó vài giờ hai bên đã tỏ ra rất thiện chí và hữu nghị. Thậm chí, ông Kim Jong-un đã thẳng thắn bày tỏ ý định phi hạt nhân hóa; trong khi ông Trump cũng cho rằng không cần vội vàng mà chỉ cần đi đúng hướng”.
Theo ông Phương, rất có khả năng hai bên đã gặp phải một bất đồng nào đó rất nghiêm trọng khiến hai bên không thể đưa ra đồng thuận. “Tôi nghĩ có thể cả Mỹ và Triều Tiên đã không thể thống nhất với nhau về khái niệm phi hạt nhân hóa, một vấn đề mà lâu nay cả hai bên vẫn tồn tại bất đồng”.
Trong cuộc gặp vào chiều tối ngày 27 và sáng ngày 28-2, hai nhà lãnh đạo Trump-Kim đã thể hiện thiện chí, không chỉ qua hành động và cử chỉ thân mật, mà còn qua những lời nói “có cánh” dành cho nhau. Dù vậy, giới quan sát nhận định rằng họ vẫn chưa động chạm đến quan điểm của họ xung quanh cách hiểu đối với khái niệm “phi hạt nhân hóa” – vốn vừa là lời hứa của Triều Tiên cũng là yêu cầu của Mỹ.
“Tôi cho rằng vào cuộc đối thoại đầu giờ chiều nay, cả hai nhà lãnh đạo đã gặp phải bất đồng. Việc hủy chương trình ăn trưa và hủy luôn lễ ký kết tuyên bố chung rất có thể xuất phát từ phía tổng thống Donald Trump”, ông Phương lý giải thêm.
Cũng theo ông Phương, động thái hủy hẹn bỏ về lần này của Mỹ-Triều rất bất ngờ, đặc biệt khi nhìn về phía Tổng thống Trump. Bởi lẽ về đối nội, ông Trump đang gặp khó khăn khi Cựu luật sư cá nhân của Tổng thống Trump, Michael Cohen đã có phát ngôn bất lợi đối với đương kim Tổng thống trước Quốc hội Mỹ vào hôm qua (27-2).
Trong khi đó về đối ngoại, Mỹ đang phải hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và tránh để tình hình leo thang bằng bất cứ giá nào, sau khi quân đội Pakistan bắn rơi 2 máy bay quân sự Ấn Độ đang làm nhiệm vụ không kích các nhóm vũ trang ở bang Kashmir cũng trong ngày 27-2.
“Một tuyên bố chung sẽ là một thành công dành cho chính quyền ông Trump giữa lúc ông đang gặp những khó khăn về đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, điều ấy đã không đến. Có thể thấy cả hai đã gặp những bất đồng rất nghiêm trọng”, ông Phương bình luận.
Một quan chức từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Cheong Wa Dae cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gọi điện cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để giải thích về kết quả cuộc gặp lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc gọi có thể sẽ được thực hiện vào khoảng 8 giờ tối (giờ Seoul) khi tổng thống Mỹ rời thủ đô Việt Nam, sau hội nghị thượng đỉnh hai ngày của ông với Kim Jong-un kết thúc.
Tuy chưa đạt được kết quả rõ ràng trong lần thượng đỉnh thứ 2, phía Nhà Trắng khẳng định Mỹ-Triều vẫn sẽ tiếp tục gặp nhau để đàm phán trong tương lai.
Một số nhà quan sát cũng tỏ ra lạc quan và cho rằng Mỹ-Triều cần thêm thời gian để đạt được nhiều đột phát thực sự hơn, bởi lẽ nhìn lại gần 7 thập niên thăng trầm vừa qua rõ ràng cả hai nước đang có những bước đi rất tích cực.
Cho đến buổi sáng 28-2 cũng là ngày cuối cùng của thượng đỉnh Mỹ-Triều, rất nhiều chuyên gia và giới phân tích đều cho rằng Mỹ-Triều sẽ đạt được nhiều điểm tích cực trong lần gặp mặt này tại Hà Nội. Trong đó, phổ biến nhất là quan điểm cho rằng Mỹ-Triều sẽ cùng ra tuyên bố chung chấm dứt tình trạng chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, vốn kéo dài kể từ sau hiệp ước đình chiến 1953 cho đến nay.
Một số khác thì dự báo dù phi hạt nhân hóa vẫn sẽ là vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết, nhưng quan trọng là hai nước sẽ bắt đầu bằng những động thái nhượng bộ rất nhỏ để tạo dựng niềm tin, làm bước đệm cho những quyết định mang tính then chốt trong tương lai.
Theo báo The Guardian, chỉ số Kospi lao dốc mạnh trước khi kết thúc phiên giao dịch sau khi Nhà Trắng thông báo tin tức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim bị cắt ngắn, bữa trưa bị hủy, ông Trump dời buổi họp báo lên sớm hai tiếng và không ký tuyên bố chung. Các cổ phiếu ở Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc tất cả đều giảm trong ngày hôm nay. |