Theo Asia One, các loại đồ uống nhiều đường ở Singapore sẽ bị bắt buộc dán nhãn cảnh báo không lành mạnh, để góp phần trong việc nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng béo phì và tiểu đường ở quốc gia này.
Trước đó, những kết quả nghiên cứu về tỉ lệ béo phì, tiểu đường ở đảo quốc Sư tử luôn đưa ra các con số đáng lo ngại. Tờ Straits Times của Singapore đã dẫn một kết quả khảo sát vào năm 2018 cho thấy trung bình mỗi ngày người Singapore tiêu thụ hết 12 muỗng đường, với sáu muỗng trong số này đến từ đồ uống. Điều này dẫn tới sự gia tăng các trường hợp béo phì, tiểu đường ở Singapore. Những kết quả này cũng được hãng thông tấn Bloomberg nhận định rằng: "Singapore và Malaysia là hai nước có tỉ lệ sử dụng đường trên đầu người cao hàng đầu thế giới".
Theo đó, để nâng cao sức khỏe cộng đồng, các loại đồ uống có hàm lượng đường từ trung bình đến cao ở Singapore đều phải dán nhãn mác bên ngoài để cánh báo khách hàng. Trong đó, nội dung nhãn phải kèm theo cảnh báo việc tiêu thụ nhiều đường không có lợi cho sức khỏe.
Chính phủ nước này cũng nêu rõ các sản phẩm phải tuân theo quy định này gồm tất cả những đồ uống được đóng gói trong chai, hộp hoặc bịch từ nước giải khát, nước trái cây, sữa chua và các loại nước hỗn hợp.
Họ cũng sử dụng nhãn mác theo màu để cảnh báo người tiêu dùng về độ lành mạnh của thức uống, chia thành ba loại cơ bản là lành mạnh, trung tính và không lành mạnh tương ứng với ba màu khác nhau. Tuy nhiên, những nhãn cảnh báo này sẽ chỉ bắt buộc đối với đồ uống được phân loại vào nhóm không lành mạnh. Những sản phẩm nước uống lành mạnh khác có thể dán nhãn nếu muốn.
Điều này được ngài Bộ trưởng Y tế Singapore Edwin Tong khẳng định tại Đại hội Y tế & Y sinh Singapore tại Max Atria, cho biết các nhà sản xuất đồ uống tốt cho sức khỏe được khuyến khích sử dụng nhãn "để hỗ trợ cho việc ra quyết định của người tiêu dùng".
Được biết lệnh cấm quảng cáo đồ uống có đường sẽ bắt đầu từ năm 2020 và dự kiến sẽ mất từ 1-4 năm để các nhà sản xuất tuân theo lệnh cấm này. Với lệnh cấm này, Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo các loại đồ uống đóng gói nhiều đường.
Trong thông báo ngày 10-10, Bộ trưởng Y tế Singapore Edwin Tong cho biết lệnh cấm mới không hướng tới việc làm khó doanh nghiệp. Ông Tong nhấn mạnh việc sử dụng các nhãn mác cảnh báo người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn sáng suốt, khi sử dụng đồ uống có đường. Đồng thời lệnh cấm cũng khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có trách nhiệm và vì sức khỏe cộng đồng nhiều hơn.
Theo ông Tong, hệ thống nhãn mác cảnh báo theo màu để phân biệt lượng đường có trong đồ uống nhiều hay ít, đã được áp dụng trên 30 nước và thành công. Chẳng hạn như ở Chile, doanh số các đồ uống mang nhãn không lành mạnh đã giảm 25% chỉ sau một năm rưỡi.
Tuy nhiên, theo tờ Aisa One, mặc dù lượng đường trong đồ uống là mối lo lớn cho căn bệnh tiểu đường và béo phì ở Singapore nhưng không phải là yếu tố duy nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi theo cơ quan y tế nước này, hàm lượng chất béo bão hòa, hay lượng caffeine cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Tại Việt Nam, vào cuối năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đã ở mức báo động. Theo đó, WHO đã đưa ra các khuyến nghị về sự cần thiết phải kiểm soát việc tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm và béo phì đang gia tăng tại Việt Nam.