Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị nghi là thủ phạm. Năm ngày trước, một tay súng IS đã tấn công câu lạc bộ Reina ở Istanbul trong đêm giao thừa (39 người chết). Trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã gánh chịu 22 vụ tấn công làm 360 người thiệt mạng.
Làn sóng bạo lực bùng nổ bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thế “lưỡng đầu thọ địch” trước một kẻ thù bên ngoài (IS) và một đe dọa trong nước (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ giáp giới Syria, đất nước đang bị các nhóm cực đoan xâu xé.
Nhiều năm trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đánh giá xung đột ở Syria sẽ nhanh chóng kết thúc và Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải từ bỏ quyền lực trong sáu tháng. Do tập trung vào mục tiêu ưu tiên Tổng thống Assad, Thổ Nhĩ Kỳ bất cần biết quân nào chống lại chính quyền Syria.
Tổng thống Erdogan nhắm mắt làm ngơ để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm quá cảnh của các phần tử thánh chiến nước ngoài muốn sang Syria. Thậm chí bọn khủng bố bị thương đã quay về Thổ Nhĩ Kỳ điều trị trong các bệnh viện.
Nào ngờ nội chiến Syria dai dẳng, Tổng thống Assad vẫn đứng vững với lực lượng quân sự hùng hậu của Nga hậu thuẫn. Cách đây hai năm, Tổng thống Erdogan bắt đầu điều chỉnh chiến lược, chấp nhận giữ lại quân cờ Tổng thống Assad. Mùa hè năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt các biện pháp chống khủng bố như khóa chặt biên giới với Syria, săn lùng bọn khủng bố trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tích cực hành động trong liên minh quốc tế chống IS như đồng ý cho Mỹ sử dụng căn cứ Incirlik để đánh IS. Chính vì thế bọn IS mới nổi giận. Cuối năm 2015, người phát ngôn IS Abu-l-Hassan Al-Muhajir tuyên bố IS nhắm đến hai mục tiêu ưu tiên gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lý luận chống IS.
Ngoài IS, Thổ Nhĩ Kỳ xem phong trào ly khai người Kurd là hiểm họa từ trong nước. Sau hơn hai năm ngưng chiến, PKK đã nối lại hoạt động bạo lực vào tháng 7-2015.
Giấc mộng lập quốc của người Kurd càng xa tầm tay, các vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ càng gia tăng. Trong khi đó, cuộc chiến chống IS tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên khó khăn bởi từ lâu IS đã vươn vòi bám chặt guồng máy xã hội.