Thật ra hành động này không phải là mới. Năm 1995, TQ đã từng làm như thế sau khi chiếm bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa). Lúc đó TQ chỉ lấy cát từ lòng biển đắp vào các chỗ đá ngầm ngập dưới mặt nước. Lần này, TQ lấy cát và dùng xe ủi san bằng, sau đó cho xây kè chắn bằng bê tông. Cuối cùng, TQ sẽ xây dựng các công trình như bến tàu, bãi trực thăng và có thể là đường băng nhỏ.
Hai chuyên gia phân tích James Hardy và Sean O’Connor ở tạp chí quốc phòngIHS Jane’s Defence Weekly (Anh) ghi nhận đầu năm nay, cấu trúc nhân tạo duy nhất trên đá ngầm Gạc Ma chỉ là mặt bằng bê tông nhỏ, trên đó có một cầu tàu, một nhà trú và một trạm thông tin liên lạc. Còn hiện nay mặt bằng bê tông này đã được bao bọc bằng đảo nhân tạo rộng gần 400 m (tính từ hai điểm xa nhất) với diện tích rộng khoảng 100.000 m2.
Theo chuyên gia Gregory Poling, TQ làm thế vì hai lý do. Một, ý đồ của TQ là áp đặt chủ quyền trên các đảo nhân tạo trước khi tòa án trọng tài quốc tế công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện đường chín đoạn của TQ. Khi hiện trạng tranh chấp thay đổi, tòa sẽ khó xác định tình trạng địa lý nguyên thủy. Hai, máy bay nhỏ hay tàu tuần tra của TQ có thể dễ dàng tiếp cận các đảo nhân tạo mới lập.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Gregory Poling nhận định dù TQ đưa dân đến sinh sống trên các đảo nhân tạo thì tư cách pháp lý vẫn không thay đổi. Lý do: Khi xét xử vấn đề tranh chấp chủ quyền, tòa án trọng tài quốc tế sẽ dựa vào ngày phát sinh tranh chấp để quyết định tư cách pháp lý của các khu vực tranh chấp. Sau ngày đó, mọi thay đổi trên thực địa không có ý nghĩa.
Hầu hết các học giả đều kết luận hoạt động cải tạo đá ngầm trên biển không làm thay đổi tư cách pháp lý mà chỉ có thể tạo ra đảo nhân tạo (không được hưởng quy chế của đảo thực sự theo Công ước LHQ về Luật Biển cũng như không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa).
Chuyên gia Gregory Poling gợi ý trong thời gian chờ tòa án trọng tài quốc tế phán quyết về đường chín đoạn, vũ khí tối ưu nhất của Philippines và Việt Nam là kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động cải tạo của TQ ở biển Đông, cần làm cho quốc tế thấy TQ đang vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Hai nước cũng cùng phối hợp nỗ lực để ngăn cản toan tính của TQ nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông bằng cách ngay bây giờ phải khảo sát các bãi, đá ngầm trước khi TQ tiếp tục mở rộng hoạt động cải tạo.
LÊ LINH