Từ ngày 26-3 đến 25-4, sinh viên, học sinh 30 trường ĐH, CĐ miền Tây có dịp gặp gỡ hai điển hình của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, nghe họ nói về nghị lực để sống có ích. Đó là nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương và diễn giả Sơn Lâm - người được cho là Nick Vujicic của Việt Nam. Họ đang thực hiện dự án “Đánh thức khát vọng”.
Khao khát đánh thức giá trị nơi người khác
. Thưa anh Hà Chương, động lực nào mà anh cùng Sơn Lâm làm dự án “Đánh thức khát vọng”?
+ Dự án này xuất phát từ suy nghĩ của chúng tôi: Phải làm được gì đó cho cuộc sống này. Cả tôi và Sơn Lâm đều bước qua được thử thách của bản thân, làm được những điều có ích cho mình và gia đình nên đến lúc cần làm điều gì đó cho người khác. Sống mà không làm được gì cho đời thì buồn lắm. Hai anh em đã từng tham gia các cuộc nói chuyện tại một số trường ĐH, trung học phía Bắc, nhận ra nhiều bạn đang sống buông xuôi, mất phương hướng trước cuộc sống, thiếu kỹ năng mềm. Chúng tôi từng được ra nước ngoài học hỏi, gặp được nhiều người nên cảm thấy có thể giúp các bạn ấy những gì đang thiếu. Chúng tôi viết dự án từ vài năm trước rồi mà chưa tìm được tài trợ.
Gần đây chúng tôi mới được First News kết nối với đơn vị tài trợ là Mobifone miền Tây để thực hiện dự án.
. Theo anh, một bộ phận bạn trẻ đang bỏ quên giá trị gì ở bản thân?
+ Nhà trường thường dạy lý thuyết chứ ít đào tạo thực hành nên các bạn thường thiếu kỹ năng mềm - kỹ năng sống. Các bạn không nhận thức được giá trị bản thân, khi vấp ngã không biết đứng lên bằng cách nào nên thường buông xuôi khi gặp khó khăn. Bản thân tôi từ nhỏ đã đọc và nghe rất nhiều sách nói của các tác giả nước ngoài viết về cách họ đứng lên khi vấp ngã. Khi ra nước ngoài, tôi thấy 18 tuổi là các bạn trẻ tự lập, rời khỏi nhà sống một mình, bố mẹ hỗ trợ rất ít. Trong khi đó ở nước ta, nhiều bạn được nuôi đến hết ĐH, kể cả sau khi học xong ĐH. Nhiều bạn lành lặn chân tay nhưng không lo học, lo làm, sa vào chơi game, thuốc lắc… Các thống kê cũng cho thấy mức độ phạm tội của bạn trẻ rất nhiều.
Hà Chương biểu diễn ca khúc do anh sáng tác tại buổi nói chuyện với sinh viên. Ảnh: HUY TOÀN
Giá trị ở bản thân mà bạn trẻ thường quên là luôn tin vào mình, luôn luôn tôn trọng bản thân mình, luôn luôn yêu quý bản thân mình. Khi hiểu được mình có giá trị thì chắc chắn sẽ biết nâng bản thân lên để có thể làm được những điều không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác, khiến người ta tôn trọng mình. Có một câu nói: “Hãy theo đuổi sự ưu tú thì thành công sẽ đến với bạn”.
Đừng bao giờ từ bỏ bản thân
. Nhưng các anh thuyết phục các bạn trẻ cụ thể như thế nào để họ nghe và tin mình?
+ Chúng tôi kể với họ câu chuyện của nhiều người thành công khác, trong đó có chúng tôi. Như tôi đến 12 tuổi tôi mới được học lớp 1 vì nhà ở trong một vùng quê hẻo lánh tại Quảng Ngãi. 12 tuổi tôi mới được ra Đà Nẵng học lớp 1 Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, sống một mình, tự lo ăn uống, giặt giũ, quét dọn trong khi không thấy đường…
Từ năm cấp II đến ĐH thì tôi học chung với người sáng mắt, một phần vì trường muốn tôi hòa nhập, một phần vì bản thân muốn thử thách, muốn học với các bạn khác. Thời đó rất hiếm sách giáo khoa chữ nổi. Để học như các bạn khác phải thì cố gấp hai, ba lần người bình thường. Vào ĐH, tôi học khoa đàn bầu và sáng tác ở Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, chung khóa với những bạn sáng mắt, luôn luôn cố gắng để mọi người không nghĩ mình là người khiếm thị. Đầu thi vô tôi đỗ thủ khoa, đầu ra cũng thủ khoa.
Đến bây giờ tôi đã ra một số sản phẩm âm nhạc, đi diễn, chơi được 10 loại nhạc cụ. Tôi tham gia nhiều chương trình văn nghệ quyên góp quỹ cho bệnh nhân ung thư, AIDS, nạn nhân chất độc da cam, các bạn khuyết tật… rồi thì cuộc sống của tôi cũng dần tốt lên.
Sơn Lâm thì không những học hai bằng ĐH, chơi thể thao, âm nhạc mà với đôi chân chống nạng, anh vẫn có thể leo lên đỉnh Fansipan.
. Những câu hỏi mà anh thường gặp ở các bạn trẻ là gì và anh đã trả lời ra sao?
+ Những câu hỏi chúng tôi thường nhận được là: Các anh đã trải qua khó khăn gì, vượt qua nó như thế nào? Tại sao các anh có đủ nghị lực như vậy? Có khi nào các anh bỏ cuộc chưa?
Mình trả lời để các bạn có thêm niềm tin, nghị lực, chắc chắn Hà Chương không bao giờ bỏ cuộc rồi. Tôi có niềm đam mê lớn, có mục tiêu, định hướng rõ ràng nên khó khăn, thử thách nào thì cũng kiên định trên con đường đi.
. Và họ đã phản hồi với các anh thế nào tại những buổi giao lưu?
+ Nhiều bạn nói em học đến ĐH rồi mà không biết sự lựa chọn của em có đúng không, em cũng chưa biết mình thích gì. “Khi nghe các anh chia sẻ, em hiểu ra đời người mình chỉ có một lần để sống thôi cho nên mình hãy sống vì ước mơ của mình, đừng bao giờ sống vì ước mơ của người khác”. Tôi rất vui, rất hạnh phúc khi nghe họ nói như thế. Cuộc sống của tôi có lúc thăng trầm nhưng tôi thấy mình vẫn sống được với những gì mà mình yêu thích.
. Xin cám ơn anh.
Không chọn việc nhẹ nhàng Tốt nghiệp thủ khoa ĐH, có rất nhiều nơi mời Hà Chương về dạy học. Anh không chọn cuộc sống tương đối an bình, quyết định vô Sài Gòn. Hà Chương thích biểu diễn, thích cuộc sống năng động, từ bé đã ước mơ làm nghệ sĩ. Thời gian đầu anh rất vất vả, đi hát phòng trà, làm đủ thứ nghề. “Cho đến thời điểm này tôi vẫn đứng được trong showbiz Việt. Tôi đi diễn sự kiện, diễn các chương trình của đài truyền hình, sáng tác, biên tập album cho các ca sĩ trẻ. Tôi khẳng định sự lựa chọn của mình không sai”. |