Sở NN&PTNT Bình Thuận lý giải việc chuyển hơn 600 ha rừng làm hồ thủy lợi

(PLO)- Sở NN&PTNT cho rằng để xây dựng hồ thủy lợi có dung tích 51 triệu m3, không có vị trí nào phù hợp ngoài khu vực rừng Hàm Thuận Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 6-9, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã chủ trì buổi khảo sát thực địa dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Tại đây, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, đã giải đáp các thông tin báo chí quan tâm về dự án này ngay tại vị trí quy hoạch làm lòng hồ.

“Không còn vị trí nào khác”

Việc chọn vị trí dự án bao phủ lên hơn 600 ha rừng những ngày qua đã khiến dư luận rất nóng ruột. Lý giải về việc này, ông Sơn khẳng định dự án đã được tính toán chặt chẽ, các chuyên gia, nhà khoa học phân tích kỹ lưỡng, được báo cáo tại rất nhiều kỳ họp, qua hội đồng thẩm định cấp nhà nước, qua nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan trung ương. Theo đó, hiện không còn vị trí nào khác tại tỉnh Bình Thuận phù hợp để làm hồ này. Trong khi đó, đây là dự án rất cần thiết đối với tỉnh Bình Thuận.

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận khảo sát vị trí làm dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: VÕ TÙNG

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận khảo sát vị trí làm dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: VÕ TÙNG

Theo ông Sơn, khu vực lòng hồ Ka Pét được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thủy lợi từ năm 1995. Từ đó đến nay, quy hoạch này vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, do tỉnh Bình Thuận thiếu vốn nên đến năm 2015 mới bắt đầu xin các thủ tục để thực hiện và đến năm 2019 Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 93.

Trong quá trình triển khai thực hiện, do dịch COVID-19 và những điều kiện khác nên đến năm 2023 dự án được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 101/2023. Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3 kèm hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Hồ Ka Pét có thể tưới hơn 7.700 ha, cấp nước sinh hoạt cho 120.000 dân ở huyện Hàm Thuận Nam tại vùng phụ cận của TP Phan Thiết. Ngoài ra còn cấp nước cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm với 2,63 triệu m3/năm.

Cây cối và thực vật trong khu vực lõi rừng Hàm Thuận Nam. Ảnh VÕ TÙNG

Cây cối và thực vật trong khu vực lõi rừng Hàm Thuận Nam. Ảnh VÕ TÙNG

“Ngoài ra, hồ còn điều tiết lũ, cũng là hồ trung chuyển để sau này tỉnh thực hiện hồ La Ngà 3 với dung tích 470 triệu m3. Do đó, công trình này là bắt buộc và cần thiết phải thực hiện. Khi được Quốc hội thông qua, tỉnh Bình Thuận và người dân rất phấn khởi” - ông Sơn nói.

Giải thích về việc xây hồ thủy lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc làm hồ thủy lợi không phải là đào rừng để tạo thành hồ mà là ngăn dòng chảy để nước dâng lên. Theo thiết kế, hồ thủy lợi Ka Pét sẽ có dung tích 51 triệu m3. Khi xây đập thì nước tại sông Bà Bích sẽ dâng lên tới cao trình đập là 51 triệu m3. Địa hình ở đây cao khoảng 153 m so với mực nước biển, sẽ cấp nước về bên dưới.

Ông Sơn khẳng định, tỉnh Bình Thuận chỉ làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét, không làm bất cứ công trình gì khác nên diện tích rừng xung quanh dự án vẫn được đảm bảo.

Sẽ tổ chức đấu giá rừng và trồng mới hơn 1.844 ha rừng

Về các bước triển khai dự án tiếp theo, ông Sơn cho biết sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng thì các ngành chức năng sẽ được lập phương án khai thác rừng trình Sở NN&PTNT thẩm định, phê duyệt. Sau khi duyệt phương án khai thác thì sẽ lập phương án đấu giá. Nhà đầu tư nào trúng đấu giá thì sẽ nộp tiền vào ngân sách và khai thác lâm sản này.

“Theo quy định pháp luật, khi chuyển 1 ha rừng tự nhiên thì phải trồng lại 3 ha rừng trồng. Với hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận phải thực hiện trồng hơn 1.844 ha rừng.”

Ông Sơn cũng khẳng định, trữ lượng gỗ tại rừng này không quá lớn. Bởi khu vực này từ năm 1983 đến 2002 được Nhà nước cho phép khai thác chọn. Theo đó, nơi đây là khu vực khai thác gỗ cung cấp cho thị trường nên nhiều cây gỗ quý, gỗ lớn đã được khai thác. Do vậy, hiện nay những cây gỗ quý, gỗ lớn gần như không còn. Từ năm 2002 đến nay đã đóng cửa rừng, không được khai thác nữa.

Khu vực làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh VÕ TÙNG

Khu vực làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh VÕ TÙNG

Tới đây, đơn vị tư vấn tiến hành thực hiện thống kê trữ lượng, chủng loại gỗ và phương án khai thác là phải đo đếm từng cây. Những cây có đường kính từ 10 cm trở lên phải được đo đếm, thống kê từng cây và phải có đơn vị tư vấn xác định giá trị của các chủng loại gỗ.

Trồng rừng mới, theo quy định pháp luật khi chuyển 1 ha rừng tự nhiên thì phải trồng lại 3 ha rừng trồng. Với hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận phải thực hiện trồng hơn 1.844 ha rừng.

Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh rà soát tất cả quỹ đất trống đăng ký chuyển về sở. Từ đó, sở này giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh phúc tra hiện trạng, hiện trường như thế nào, có đảm bảo được tiêu chí trồng rừng hay không. Sau khi đầy đủ các nội dung, sở sẽ tham mưu tỉnh phê duyệt thực hiện trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2025, hoàn thành cùng thời điểm với hồ chứa nước Ka Pét.•

Bộ TN&MT chưa nhận được đề nghị thẩm định ĐTM dự án hồ Ka Pét

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 6-9, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ TN&MT), cho hay đến thời điểm này, Bộ TN&MT chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Lãnh đạo Vụ Môi trường cho hay, dự án hồ thủy lợi Ka Pét được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp năm mới đây (tháng 5-2023). Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, phía UBND tỉnh Bình Thuận đang thực hiện các bước để triển khai dự án, trong đó có nội dung xây dựng ĐTM của dự án.

“Vừa qua, chủ đầu tư dự án đã tổ chức lấy ý kiến, tham vấn cộng đồng ĐTM dự án qua nhiều kênh, trong đó có cổng thông tin của Bộ TN&MT theo quy định (Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường - PV). Kết quả tham vấn này sẽ là một trong những căn cứ để phía chủ đầu tư đề nghị thẩm định ĐTM tới cơ quan thẩm định là Bộ TN&MT. Tuy nhiên, đến thời điểm này phía bộ chưa nhận được đề nghị thẩm định ĐTM dự án từ chủ đầu tư” - ông Thịnh thông tin.

Về trình tự thẩm định ĐTM dự án, lãnh đạo Vụ Môi trường cho biết sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định ĐTM của dự án hồ chứa nước Ka Pét từ UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ TN&MT sẽ có quyết định thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá ĐTM của dự án. Thành viên của hội đồng thẩm định ĐTM bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường.

“Đây là dự án quan trọng của quốc gia cũng như của tỉnh Bình Thuận, vì vậy chúng tôi cũng mong nhận thêm thông tin từ nhiều phía, nhất là từ các cơ quan truyền thông để có đầy đủ thông tin đánh giá về dự án” - ông Thịnh nói. TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm