Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH, TAND Tối cao, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, UBND tỉnh Cà Mau báo cáo về việc xem xét công nhận chế độ liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi, người bị hai đồng đội biến chất sát hại trong vụ án 38 năm trước.
Các cơ quan này phải báo cáo trước ngày 20-2 để sớm tổ chức họp liên ngành giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng từng nổi tiếng ở tỉnh Minh Hải cũ (nay là tỉnh Cà Mau).
Cũng liên quan đến vụ việc, cuối tháng 12-2016, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Lữ Anh Dồi) đề nghị các cơ quan nhà nước công nhận liệt sĩ với quân nhân này. Cho rằng quân đội mới có thẩm quyền cuối cùng trả lời, ngày 6-2, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chuyển Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giải quyết.
Trước đó, cũng sự việc này, hồi tháng 7-2016, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đã có văn bản đề nghị Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) giải quyết theo thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, bên di ảnh của chồng. Ảnh: T.VŨ
Như Pháp Luật TP.HCM từng có loạt bài phản ánh, Thiếu úy Lữ Anh Dồi (chính trị viên phó Đại đội cơ động biên phòng tỉnh Minh Hải) là nạn nhân trong một vụ việc do chính cấp trên trực tiếp của mình, trung tá Nguyễn Ngọc (phó trưởng Ty Công an kiêm chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ) dựng lên nhằm giết người diệt khẩu.
Vụ việc xảy ra từ năm 1979, ông Lữ Anh Dồi sau khi bị đồng đội giết hại đã bị làm hồ sơ giả là phản quốc. Phải chín năm sau, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có ý kiến chỉ đạo, đồng thời cơ quan điều tra Quân khu 9, VKS Quân sự Trung ương, Tòa án Quân sự Trung ương vào cuộc quyết liệt thì mới đưa được Nguyễn Ngọc và đồng phạm ra trước vành móng ngựa, tuyên án tù về tội giết người, đồng thời minh oan cho ông Lữ Anh Dồi.
Tháng 4-1989, Tòa án Quân sự Cấp cao xử phúc thẩm vụ án. đã tuyên phạt Thái Văn Hùng 18 năm tù về tội giết người; phạt Nguyễn Ngọc 20 năm tù về tội giết người, ba năm về tội vu khống, tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù. |
Bản án của các cấp tòa khẳng định Thiếu úy Lữ Anh Dồi là quân nhân bị giết hại khi đang làm nhiệm vụ và kiến nghị các cơ quan chức năng phục hồi chế độ chính trị, giải quyết chính sách cho ông.
Không lâu sau khi án tuyên, tháng 9-1991, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Minh Hải gửi giấy báo tử cho gia đình, xác nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Tuy nhiên, không rõ vì sao việc công nhận này cùng các chế độ kèm theo không được thực hiện ngay mà Sở LĐ-TB&XH tỉnh Minh Hải lại có văn bản xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH. Bốn năm sau, Bộ LĐ-TB&XH mới ra công văn đề Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) xem xét, có ý kiến.
Vụ việc từ đó rơi vào quên lãng trong 21 năm. Suốt thời gian đó, vợ góa của Thiếu úy Dồi là bà Nguyễn Thị Mai đã liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng.
Phải đến cuối năm 2015, vấn đề công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi mới được tỉnh Cà Mau xới lại.
Lật lại hồ sơ lưu trữ, tháng 2-2016, Sở LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị liên tịch với sáu cơ quan khác (Công an, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Thanh tra, BHXH, Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau) và thống nhất đề nghị suy tôn Thiếu úy Lữ Anh Dồi là liệt sĩ.
Ý kiến tập thể của địa phương được gửi lên Bộ Lao động, rồi Bộ Lao động lại chuyển sang Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị); Cục Chính sách lại chuyển tiếp sang Cục Chính trị; Cục Chính trị lại báo cáo sang Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng; rồi Cục Chính trị Bộ đội biên phòng lại... chuyển xuống Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Cà Mau nghiên cứu, báo cáo…
Sau một vòng, hồ sơ xét công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi, ban đầu do Sở LĐ-TB&XH Cà Mau chủ trì, nhất trí với liên tịch các cơ quan của tỉnh, trong đó có Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, giờ lại chuyển về Bộ đội biên phòng tỉnh. Và lần đó, tháng 12-2016, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau lại có ý kiến cho rằng không có cơ sở công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi.
Hy vọng rằng với yêu cầu lần này của Thủ tướng, vụ việc của ông Lữ Anh Dồi sẽ sớm được các cơ quan chức năng xem xét lại.