Sáng 9-1, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM và Sở TT&TT tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” số đầu tiên năm 2022, với chủ đề “Tết Nhâm Dần 2022 - An toàn, tiết kiệm, nghĩa tình”.
Điểm mới của chính sách chăm lotết năm 2022
Tại chương trình, chính sách chăm lo tết cho người dân được nhiều cử tri quan tâm. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết TP.HCM có quà tết tặng các diện chính sách có công, hộ nghèo, cận nghèo và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội với mức như tết năm 2021.
Tuy nhiên, điểm mới năm nay là TP.HCM có kế hoạch đi thăm và tặng quà bổ sung cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch không may tử vong. Thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho lực lượng tham gia tuyến đầu có cha mẹ tử vong do dịch COVID-19.
TP.HCM sẽ tổ chức thăm, tặng quà tết cho cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19, các trạm y tế phường/xã, trạm y tế lưu động, các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI
Cùng với đó, TP.HCM cũng tổ chức thăm, tặng quà tết cho 310 trạm y tế phường, xã; 391 trạm y tế lưu động, các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, cơ sở tôn giáo, y tế tư nhân và các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong công tác phòng dịch.
Riêng về gói hỗ trợ đợt 3, ông Khiết cho biết các quận, huyện và TP Thủ Đức đang khẩn trương chi và hoàn tất trước ngày 15-1.
Về chính sách an sinh, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho biết hệ thống mặt trận các cấp của TP.HCM dự kiến huy động và chăm lo hơn 200.000 suất quà với trị giá trên 200 tỉ đồng. Riêng Ban thường trực và Trung tâm An sinh cũng huy động, hỗ trợ trên 40.000 phần quà, trị giá trên 46 tỉ đồng. So với năm ngoái, số tiền chăm lo cho người dân tăng hơn 21 tỉ đồng trong dịp tết Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục vận động chăm lo cho đoàn viên hội viên, hỗ trợ vé xe cho công nhân, sinh viên, người khuyết tật… Đặc biệt trong đó là có chính sách chăm lo trên 2.100 trẻ em mồ côi, 380 người già neo đơn vì dịch COVID-19.
Ngoài ra, tiếp tục chăm lo cho người lao động tự do sống trong xóm trọ khó khăn bằng cách tổ chức chuỗi siêu thị tết mini 0 đồng tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đến siêu thị 0 đồng, người lao động được lựa chọn sản phẩm tết theo ý thích với trị giá mỗi phần là 400.000 đồng, hỗ trợ 25.000 người có hoàn cảnh khó khăn với hơn 9 tỉ đồng.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết dù khó khăn nhưng TP.HCM vẫn dành ra 900 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo dịp tết Nhâm Dần 2022. Ông cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương hỗ trợ kịp thời những doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không có khả năng chi trả lương và tiền thưởng tết cho công nhân; không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công; tổ chức chăm lo cho người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở LĐ-TB&XH thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách về chăm lo tết tới các hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón tết. |
Đảm bảo đủ hàng hóa, giữ giá dịp tết
Quan tâm đến giá cả dịp tết, cử tri cũng đặt câu hỏi với chính quyền TP.HCM về các biện pháp để kiểm soát giá cả nhưng vẫn đảm bảo sự đa dạng hàng hóa. Bởi những ngày gần đây, giá rau củ quả, thịt, cá đều tăng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết công tác chuẩn bị lượng hàng trên địa bàn hiện khá lớn, với 19.881 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn là 7.221 tỉ đồng. Ông Phương khẳng định sẽ hoàn toàn có thể cung ứng đầy đủ, kịp thời và điều tiết thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cam kết giữ giá bán ổn định trong một tháng trước và sau tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh giữ giá, phó giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết các doanh nghiệp, nhà phân phối còn thực hiện nhiều chương trình giảm giá sâu, đặc biệt là trong những ngày trước tết để giúp cho công nhân, người lao động sắm tết với giá cả hợp lý.
Đối với giá rau củ quả tăng, ông Phương cho rằng việc này do dịch bệnh, nhiều nhà vườn không có đầu ra nên tạm ngừng trồng trọt, chợ truyền thống cũng tạm dừng hoạt động nên nguồn rau củ quả khan hiếm. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động đã trở lại, hàng hóa sẽ đầy đủ hơn nên giá cả sẽ giảm xuống. Do vậy, ông trấn an người dân không nên quá lo lắng.
Trả lời các câu hỏi liên quan đến thưởng tết, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết có trên 50% doanh nghiệp gặp khó về kế hoạch thưởng tết cho người lao động nhưng vẫn cố gắng thưởng tết theo thỏa thuận.
Kiều bào cần chuẩn bị gì khi về TP.HCM đón tết? Tại chương trình, một cử tri đặt câu hỏi về việc nếu có người thân ở nước ngoài muốn về dịp tết này thì cần những thủ tục gì? Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Đối với người chuẩn bị nhập cảnh qua cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người dân cần có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi tới Việt Nam, xét nghiệm này phải được cơ quan có thẩm quyền ở nước sở tại xác nhận (trừ trẻ em dưới hai tuổi). Người nhập cảnh cần có khai báo y tế ở nước sở tại trước khi lên máy bay. Đồng thời cần có xác nhận tiêm đủ vaccine hoặc xác nhận là F0 đã khỏi bệnh trong vòng sáu tháng. Tiếp đó, khi nhập cảnh sẽ thực hiện theo quy trình năm bước. Vừa đáp xuống sân bay, người dân phải tạo mã QR cá nhân bằng cách cài đặt ứng dụng PC-COVID. Sau khi khai báo và có mã QR, sân bay tổ chức xét nghiệm nhanh với tất cả hành khách nhập cảnh. Nếu test nhanh dương tính, hành khách sẽ phải làm xét nghiệm PCR khẳng định và chuyển về BV dã chiến số 12 giải trình tự gen. Trường hợp âm tính, người dân được hướng dẫn rời sân bay về nơi cư trú đã đăng ký trước. Trong quá trình di chuyển, người dân không được dừng dọc đường, bảo đảm 5K. Hành khách khi về địa phương đã tiêm đủ liều vaccine chỉ theo dõi sức khỏe tại nhà ba ngày. Còn với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phải cách ly tại nhà bảy ngày, địa phương sẽ làm xét nghiệm trong ngày thứ ba và thứ bảy. |