Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 1: Nguồn vốn ở đâu?

Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 1: Nguồn vốn ở đâu?

(PLO)- Đi tìm nguồn tài chính phát triển kinh tế xanh, hay gọi nôm na là nguồn vốn xanh, là một câu hỏi không phải dễ dàng giải đáp nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại diễn đàn tài chính xanh năm 2024 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ở TP.HCM vào cuối tháng 7-2024 với chủ đề: “Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”, rất nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh câu chuyện “kiếm tiền ở đâu để phát triển kinh tế xanh?”

Trước đó, các chuyên gia kinh tế tại nhiều diễn đàn chính thức, phi chính thức cũng đều rất quan tâm đến dòng tài chính xanh khi Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tham gia vào nhiều cam kết quốc tế, triển khai nhiều các dự án trong nước nhằm giảm phát thải CO2, hướng tới Net Zero, mở “đường lớn” cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế xanh bền vững.

tiendau.png

Theo phát biểu của TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) tại diễn đàn tài chính xanh năm 2024, hiện có nhiều chương trình phát triển kinh tế xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, điển hình như Davos 2019: Chuyển đổi xanh là cơ hội đầu tư có giá trị tới 50 nghìn tỷ USD; Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC: cơ hội đầu tư lên tới 23 nghìn tỷ USD tại các dự án thân thiện môi trường chỉ riêng ở 21 quốc gia mới nổi trong giai đoạn 2016-2030, trong đó các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, tập trung vào lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng xanh; Nhu cầu lên tới 18 nghìn tỷ USD dành riêng cho xây dựng xanh tại châu Á tới năm 2030.

Kinh tế xanh
Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030

Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.

Một trong những lý do khiến việc phát triển kinh tế xanh cần một nguồn vốn lớn đó là thời hạn các dự án thường kéo dài, có thể trên dưới 20 năm, thậm chí dài hơn hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Chuyển đổi xanh, phát triển xanh là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng cũng không thể cực đoan mà phải kiên nhẫn, có lộ trình phù hợp với nguồn lực kinh tế - xã hội.

Ho Quoc Tuan 2.png

TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên cao cấp ĐH Bristol, Vương quốc Anh) từng chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: Về chuyển đổi xanh, đầu tiên là nỗi lo “tiền đâu”. Làm sao mà một nước với tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế như Việt Nam chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như những nước giàu.

“Tôi chia sẻ một nhận định của một số chuyên gia rằng chuyển đổi xanh hay hành trình đi đến phát thải ròng bằng 0 phải “thích hợp với điều kiện kinh tế xã hội”. Nghĩa là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta mong muốn về môi trường, con đường đi đến kinh tế xanh, tương thích với điều kiện áp dụng ở từng địa phương” – ông Tuấn nói. Vị chuyên gia này chia sẻ thêm: Giảm phát thải ròng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đó là nhận định theo tôi rất quan trọng. Chúng ta không thể “nghèo mà chơi sang”. Nhưng đồng thời nó cũng khác với nhận định của một số người là “kinh tế xanh là trò lừa của các nước tư bản”. Thực tế, trong năm 2023, có rất nhiều bằng chứng rõ ràng là biến đổi khí hậu, cụ thể là tình hình hạn hán, thay đổi mùa vụ, mực nước biển dâng cao, đã gây tổn thất kinh tế nhiều tỷ USD cho các nước nghèo và gây tổn thất cho những định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm ở các nước này (ví dụ các ngân hàng cho những chủ thể trong nền kinh tế vay).

“Chúng ta phải tránh việc rơi vào một trong hai thái cực, một là quá đam mê đến cực đoan về tăng trưởng xanh, và hai là “chống xanh bằng mọi giá” vì cho rằng đó là trò chơi của tư bản. Chúng ta cần tiếp cận vấn đề này một cách thực dụng nhất. Đó là tìm ra câu trả lời và phương án hành động cho những câu hỏi thiết thực như làm sao cân bằng giữa phát triển kinh tế và xanh hóa môi trường, làm sao xây dựng hạ tầng, đô thị, khu cảng, đường phố... vẫn đảm bảo thiên nhiên không chịu áp lực, ảnh hưởng mạnh” – ông Tuấn nhấn mạnh.

thachthuc.png

Cũng theo nhận xét của TS Hồ Quốc Tuấn, Việt Nam không thiếu những cam kết tài trợ vốn về kinh tế xanh từ các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế. Ví dụ, Ngân hàng Đầu tư châu Âu ký ghi nhớ hỗ trợ tài chính 500 triệu USD cho Việt Nam vào cuối năm 2023. Nhiều gói cam kết vài chục triệu USD cũng đã được ký. Và chúng ta vẫn có một gói cam kết lên đến 15,5 tỷ USD của Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Vấn đề là những cam kết như thế này vẫn chưa thể chuyển thành tiền, và cũng không dễ dàng chuyển thành tiền.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này. Cụ thể, tiền thì đã có nhưng cơ chế để giải ngân thì chưa, vì vậy nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết phải làm sao để nguồn vốn không còn là những bản cam kết mà trở thành nguồn tiền cụ thể. Cạnh đó, doanh nghiệp cũng không nhận được sự hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách tiếp cận từ các đơn vị có thẩm quyền để có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp mình đang gặp phải.

Ông Nguyễn Thế Tân – Phó Giám đốc công ty TNHH MTV trà Tâm Lan, một công ty với 16 năm sản xuất trà theo mô hình tuần hoàn, cho biết doanh nghiệp của ông rất muốn liên tục cập nhật công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất theo mô hình tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, điều này đòi hỏi phải tốn kém rất nhiều chi phí. Khi muốn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ thì gặp phải rất nhiều rào cản, từ quy định về mặt pháp lý, quy trình xét duyệt của các cơ quan thẩm định. Vậy nên, cho đến ngày hôm nay, công ty vẫn chỉ sử dụng nguồn vốn tự có dù rất muốn có thêm nhiều nguồn vốn để cải thiện mô hình sản xuất của doanh nghiệp mình ngày một hiện đại hơn.

Nguyen The Tan.jpg

Với mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và tăng uy tín xã hội, Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ (SX TM&DV) Bao bì Tăng Phú - Tafuco đã tiên phong trong sản xuất bao bì xanh. Ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ, Tổng Giám đốc công ty tin tưởng rằng việc đầu tư vào công nghệ và dây chuyền sản xuất bảo vệ môi trường không chỉ là bước đi quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN mà còn là thiết lập hướng đi mới tiến tới một tương lai xanh và bền vững cho ngành công nghiệp bao bì Việt Nam. Tuy nhiên, vì quy trình sản xuất bao bì xanh khác hoàn toàn so với quy trình sản xuất túi nhựa thông thường, nên ngoài tập trung chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến trong các công đoạn in ấn làm túi, Tafuco còn cần liên tục đào tạo kỹ thuật cho người lao động và tìm cách bảo quản thành phẩm tới tay người dùng. Điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu nói trên. Song thực tế, doanh nghiệp của ông đã nghe đến rất nhiều thông tin về các gói hỗ trợ để chuyển đổi xanh nhưng vẫn rất khó để tiếp cận, nguồn vốn hiện tại chỉ là nguồn vốn do doanh nghiệp tự huy động nên hành trình phía trước vẫn còn khá nhiều gian nan.

Nguyen Hoang Xuan Do.png

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Xuân Kiếm (Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM) cho biết: “Là đơn vị nắm tỉ lệ rủi ro cao hơn cho nên chúng tôi rất lo ngại, và cần một câu trả lời cụ thể về việc khi nào doanh nghiệp sẽ hoàn vốn, tính khả thi của các dự án ra sao. Chỉ khi nắm chắc tính khả thi của các dự án chuyển đổi xanh, chúng tôi mới có thể ‘yên tâm’ giải ngân cho các doanh nghiệp”.

Pham Xuan Kiem.png

Trong khi đó, theo ông Tạ Long Hỉ - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, chủ tịch hội đồng quản trị Vinansun, sau đại dịch Covid-19, các ngành đều gặp rất nhiều thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn để có thể phục hồi, phát triển, trong đó có ngành vận tải. Các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đang hướng tới chuyển đổi xanh, càng gặp hoàn cảnh khó khăn thì lại càng khó tiếp cận nguồn vốn, rơi vào vòng xoáy lẩn quẩn “tiền đâu để phát triển, phát triển mới vay được tiền”, tương tự như câu chuyện “con gà và quả trứng”.

Ta Long Hy.jpg
baitoanthieuvon.png

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tiếp cận dòng vốn xanh khó khăn một phần lớn là do việc xây dựng, thực tiễn hóa các chính sách phát triển kinh tế xanh hiện nay còn lúng túng, chậm chạp. Theo TS Hồ Quốc Tuấn, phải rút ngắn tiến trình thủ tục, hành chính khi triển khai các dự án chuyển đổi xanh. Ví dụ: Thực tế tuyên bố JETP đã được Việt Nam và các đối tác quốc tế thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussel, Vương quốc Bỉ vào tháng 12-2022. Mãi đến một năm sau đó, Chính phủ mới công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).

“Chúng ta đi từ ký cam kết đến tuyên bố kế hoạch huy động mất một năm trời. Mà từ kế hoạch đến hiện thực hóa giải ngân thì không biết còn bao lâu nữa. Một người bạn làm ngành năng lượng chia sẻ với tôi là phía doanh nghiệp tư nhân, các nhóm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch ở Việt Nam không thiếu ý tưởng, dự án, và phía các đối tác IPG cũng không ngại cho vay. Vấn đề là phải “đúng qui trình”, nhưng qui trình đó hiện còn rất mất thời gian bởi phải huy động nhiều bộ, ban, ngành rồi giải quyết nhiều bài toán rủi ro. Vì vậy, làm sao để qui trình này ngắn lại thì khả năng tiếp cận vốn tăng lên.” – ông Tuấn cho biết.

Ho Quoc Tuan 3.png

Câu chuyện “trâu chậm uống nước đục” cũng khiến nhiều người liên tưởng đến thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam. Theo lộ trình của Chính phủ, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có đầy đủ các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng cho thị trường giao dịch carbon ở Việt Nam trong khi một trong những quốc gia được xem là thận trọng, nhìn trước, ngó sau trong lĩnh vực này là Nhật Bản cũng đã theo sau EU, Mỹ và Trung Quốc để mở sàn giao dịch tín chỉ carbon từ tháng 10 năm 2023. Trước đó gần 1 tháng, một trong những đối thủ cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn của Việt Nam ở ASEAN là Indonesia đã khai trương sàn giao dịch carbon đầu tiên.

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực, để có tiếp thúc đẩy nguồn tài chính xanh hiệu quả thì cần giải quyết một số thách thức lớn hiện nay. Thứ nhất là chưa có đầy đủ khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh, ví dụ như các quy định về phân loại xanh, tiêu chuẩn dự án được cấp tín dụng xanh, quy định phát hành trái phiếu xanh… Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cao trong đánh giá, thẩm định, quản lý rủi ro các dự án chuyển đổi xanh. Tiếp theo, chúng ta vẫn thiếu cơ chế phối hợp, cũng như cung cấp các ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh.

Thứ tư, trong khi các dự án chuyển đổi xanh hầu hết đều dài hạn, thì thời hạn cho vay vốn của các tổ chức tín dụng thường chỉ ngắn hoặc trung hạn. Kế tiếp, vấn đề nhận thức của thị trường nói chung, trong đó có nhận thức của doanh nghiệp, về bộ ba tiêu chí môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đối với các dự án chuyển đổi xanh vẫn chưa cao, chưa đồng đều; đặc biệt nhiều doanh nghiệp niêm yết còn chưa chủ động đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, việc phát hành cổ phiếu xanh, đánh giá và báo cáo phát triển về tính bền vững của dự án nhìn chung vẫn còn rất hạn chế.

Trên cơ sở đó, ông Lực cho rằng Việt Nam cần xây dựng Quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng chuyển đổi xanh, phát triển xanh với mức lãi suất ưu đãi. Song song đó, các tổ chức tín dụng cần xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho các dự án cần đến nguồn vốn phát triển xanh. Ngoài ra, các bài toán về nhận thức, nhân lực, thẩm định, đầu ra sản phẩm, quản lý rủi ro… cũng cần được thiết kế, triển khai đồng bộ thì mới có thể khơi thông các dòng tín dụng xanh hiệu quả.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường, cam kết Net Zero vào năm 2050. Cam kết trên đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong mục tiêu phát triển của Việt Nam, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Đọc thêm