Trả lời Pháp Luật TP.HCMnhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ từ ngày 6 đến 10-7, PGS-TS Alexander L. Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ) nhận định hiện nay Việt-Mỹ là “đối tác toàn diện” và sẽ có những bước tiến xa hơn…
Bốn chuyển biến “từ thù sang bạn”
. Phóng viên: Thưa ông, đầu năm 2015, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc cho rằng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Việt-Mỹ đã thành công trong việc chuyển mình từ kẻ thù sang bạn bè, sau đó thành đối tác toàn diện. Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, theo ông đâu là những chuyển biến quan trọng và rõ nét nhất trong quan hệ Việt-Mỹ?
+ PGS-TS Alexander L. Vuving: Đúng là20 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ đã chuyển từ “thù sang bạn”. Tuy 20 năm trước hai nước đã tái lập quan hệ ngoại giao nhưng ở một mức độ nào đó, kẻ ít người nhiều vẫn còn thái độ thù địch với nhau. Còn bây giờ, nhất là với chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước coi nhau là bạn một cách thực chất chứ không chỉ là những lời nói.
Trong 20 năm qua đã có những chuyển biến hết sức quan trọng khiến Việt-Mỹ trở thành bạn như hiện nay.
Trước hết là nỗ lực của cả hai nước để Mỹ bỏ cấm vận, tái lập quan hệ ngoại giao trong nhiệm kỳ Tổng thống Clinton. Trong thời gian này, việc ký Hiệp định Thương mại song phương năm 2000 cũng là một dấu mốc lớn.
Biến chuyển lớn thứ hai nhưng ít được nhận ra là vào nhiệm kỳ Tổng thống Bush 2001-2008, Mỹ muốn Việt Nam đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực, tiến tới trong tương lai trở thành đối tác chiến lược.
Tháng 7-2003, Hội nghị Trung ương 8 của Việt Nam đã đề ra “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, định nghĩa lại khái niệm “đối tượng” và “đối tác”, không gắn vấn đề bạn thù với ý thức hệ nữa. Từ đây mở ra khung trời hợp tác rộng lớn giữa hai nước. Hiện nay Việt Nam đang tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là vì năm 2008, Mỹ đã có sáng kiến mời Việt Nam.
Biến chuyển lớn thứ tư liên quan đến chính sách “xoay trục”, “tái cân bằng” của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu trong chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ. Tháng 7-2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định tại hội nghị an ninh khu vực ARF ở Hà Nội rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” đối với tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng hòa bình ở biển Đông. Tháng 10-2011, bà Clinton viết bài phác họa chính sách “xoay trục” của Mỹ, trong đó nói Mỹ muốn Việt Nam trở thành đối tác chiến lược. Tháng 7-2012, Ngoại trưởng Clinton thăm Hà Nội đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Tháng 7-2013, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Tháng 9-2014, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam để giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trên biển Đông.
PGS-TS Alexander L. Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ). Ảnh do nhân vật cung cấp.
Tăng cường tiếp xúc, học hỏi lẫn nhau
. Hiện nay hai nước còn những rào cản nhất định, làm thế nào để có thể khắc phục những rào cản đómột cách tối ưu nhất?
+ Tốt nhất là cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu, đối thoại nhiều hơn nữa. Mặt khác, khi Việt Nam là một đất nước đang thay đổi, đang đổi mới để tiến kịp các nước tiên tiến thì cũng nên cải tiến những quan niệm và cách làm không giúp mình tiến bộ.
Nói như thế không có nghĩa là cứ cái gì Mỹ nghĩ và Mỹ làm thì cũng là hay hết. Mỹ có rất nhiều điều Việt Nam nên học nhưng cũng có nhiều điều Việt Nam không nên học. Ngược lại, chính tôi đã được nghe một số quan chức Mỹ làm việc với Việt Nam nói là Việt Nam làm một số việc hiệu quả hơn Mỹ khiến Mỹ cũng phải học. Khi làm việc hợp tác với nhau thì sẽ hiểu nhau hơn và có nhiều cơ hội để học hỏi nhau hơn. Vấn đề là phải có chí hướng học hỏi và phải quyết tâm cải biến mình để mình tốt hơn.
Hợp tác “cờ vây” tại biển Đông
. Việt Nam đều thống nhất quan điểm không mượn nước khác để chống nước thứ ba. Không nước nào muốn gây hấn hay xung đột. Tuynhiên, hiện nay Trung Quốc có những độngthái chiếm biển, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại biển Đông khiến không chỉ Việt Nam mà Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích nhiều lần. Theo ông, hành xử của Mỹ và Việt Nam cần như thế nào để góp phần thúc đẩy hòa bình tại khu vực?
+ Quan điểm của Việt Nam là không chống nước thứ ba có nghĩa là hợp tác không phải để tấn công nước khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là hai nước không có quyền tự vệ, không có quyền giúp nhau tăng cường khả năng phòng thủ.
Việc Trung Quốc xây đảo chiếm biển là nằm trong một chiến lược kiểu “cờ vây”. Đặc điểm thứ nhất của chiến lược này là các hoạt động nằm ở dưới ngưỡng hoặc vùng xám xung quanh ngưỡng để đối phương không có lý do trực tiếp cản phá. Đặc điểm thứ hai là các bước đi không có tính tấn công trực diện mà có tính sắp đặt sân chơi, tạo thế khiến không đánh mà vẫn có thể thắng. Để đối phó lại với chiến lược này, Việt Nam có thể chọn cách cùng chơi “cờ vây” với Trung Quốc nhưng phải chơi cao tay hơn. Phải bài binh bố trận thế nào để vô hiệu hóa tác dụng của mạng lưới các đảo nhân tạo đó. Ngoài những bước đi của riêng Việt Nam thì Việt Nam và Mỹ có thể cùng nhau thúc đẩy một số hình thức đối tác chiến lược đa phương với các nước có cùng lợi ích ở biển Đông. Nhìn chung thì việc xây đảo lấn biển của Trung Quốc ở biển Đông là tạo thế lâu dài, cho nên đối phó lại cũng phải tạo thế lâu dài gồm nhiều mặt, trong đó không thể thiếu ngoại giao.
. Xin cám ơn ông.
. Phóng viên. Ông kỳ vọng gì về tương lai quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới? + PGS-TS Alexander L. Vuving: Quan hệ kinh tế Việt-Mỹ sẽ có bước phát triển đột biến sau khi TPP được ký kết. Sẽ có bước nhảy vọt về xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Quan hệ chính trị cũng sẽ bước lên một bình diện mới cao hơn sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi khung quan hệ mở ra rộng hơn, độ tin cậy chính trị lẫn nhau cao hơn thì sẽ tạo điều kiện để các trao đổi văn hóa, xã hội trở nên sâu rộng hơn. Nói chung thì người Việt Nam sang Mỹ sẽ dễ dàng hơn và người Mỹ vào Việt Nam cũng thoải mái hơn. Tóm lại là sự nâng cấp quan hệ chính trị sẽ tạo ra bước nhảy trong quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội. |