Chiều 17-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức đưa ra thông tin trên.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại. Tuy nhiên, phụ nữ có thai và dự định có thai không nên đến vùng có dịch bệnh. Trong trường hợp phải đến các vùng có dịch bệnh thì cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
Vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh do virus Zika. Ảnh: TRẦN NGỌC
Trước đó, ngày 14-10, Bộ Y tế ghi nhận một trường hợp trẻ 4 tháng tuổi (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã điều tra và lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus Zika và đang chờ kết quả.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn và kết luận dịch bệnh do virus Zika đã lưu hành tại Việt Nam. Chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận từ 1% đến 10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén nên có thể Việt Nam sẽ có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do virus Zika (hiện Thái Lan cũng đã ghi nhận 2 trường hợp đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika). Tuy nhiên, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như nhiễm virus Rubella, vi khuẩn giang mai, ký sinh trùng Toxoplasm, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền. Do vậy, sau khi có kết quả điều tra và xét nghiệm máu của trẻ 4 tháng tuổi nói trên, Bộ Y tế sẽ có thông báo chính thức.
Đến ngày 17-10, Việt Nam đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP.HCM.