VKSND Tối cao vừa có văn bản yêu cầu VKSND TP.HCM kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đã có các bài viết “Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan” (số 277 ngày 15-10) và “Dân oan ức, không thể rút kinh nghiệm qua loa” (số 278 ngày 16-10).
Theo hồ sơ, ngày 2-10-2013, anh Trần Hoàng Minh (trú tại ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị Công an huyện Cần Giờ khởi tố và bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản (máy vi tính xách tay của ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Bình Thuận). Sau khi bị tạm giam hai tháng, anh Minh được tại ngoại.
Anh Trần Hoàng Minh đang trình bày với PV. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Ngày 9-12-2013, VKSND huyện Cần Giờ có cáo trạng truy tố anh Minh. Trong suốt quá trình điều tra cho đến khi bị xét xử tại tòa, anh Minh liên tục kêu oan và đưa ra chứng cứ chứng minh thời điểm xảy ra vụ trộm anh đang sửa xe cho khách.
Nhân chứng thứ nhất là em Đạt đã phản cung tại tòa, cho rằng lời khai của mình là vì bị đánh nên khai theo hướng dẫn của cán bộ điều tra. Nhân chứng thứ hai là anh Võ Minh Tấn xác nhận có nhìn thấy tối 29-9-2013, khi xảy ra vụ trộm, anh Minh đang ở tiệm sửa xe cho anh Tấn, không đi đâu.
Thực nghiệm tại hiện trường cho thấy Minh không thể chui lọt qua cửa sổ nên tòa không tuyên án được, phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau khi tòa trả hồ sơ, VKSND huyện Cần Giờ đã đình chỉ điều tra vụ án theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự với lý do “do chuyển biến của tình hình, người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”.
Nhiều thẩm phán, luật sư cho rằng lý do đình chỉ này không đúng. Anh Minh rõ ràng bị oan vì không đủ căn cứ kết tội, trường hợp này phải đình chỉ vì anh Minh không phạm tội và xem xét việc bồi thường. Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án phải bị kỷ luật, không thể rút kinh nghiệm qua loa được.