Vợ chồng giảng viên 8 năm cho thí sinh ở trọ đi thi

Trong những ngày này, hàng trăm thí sinh, phụ huynh từ các nơi đổ về điểm nhà trọ miễn phí của vợ chồng cô Huyền. Cả hai đợt tuyển sinh năm nay, vợ chồng cô đón trên 300 thí sinh. Do số lượng đông hơn mọi năm nên ngoài hai căn nhà cho trọ miễn phí trước đây, vợ chồng cô phải thuê thêm một căn hộ ở chung cư mới đủ chỗ.

Vợ chồng cô Huyền tất bật chuẩn bị để lo phòng trọ cho thí sinh -Ảnh: M.Tâm

Thuê thêm nhà mới đủ sức chứa

Để nhà cửa tươm tất, sạch sẽ…, mấy ngày trước vợ chồng cô đã tất bật dọn dẹp hai căn nhà cũ rồi đến căn hộ chung cư gần đó để kiểm tra, đốc thúc thợ lót những viên gạch cuối cùng kịp đón thí sinh dự thi đại học vào ở miễn phí.

Cô Huyền cười tươi: “Nhà vừa mới làm xong tối hôm qua, hôm nay đã đón thí sinh. Năm nay tuy vất vả nhưng vợ chồng rất vui vì mình giúp đỡ trên 300 em”.

Cô Huyền tâm sự cơ duyên gắn kết với công việc thiện nguyện này là cách đây tám năm có một số đồng hương quê ở Kiên Giang gửi con, cháu lên nhà vợ chồng cô thi đại học. Những mùa tuyển sinh sau số người gửi tăng lên gấp đôi từ một vài em tăng lên hàng chục em, cộng thêm lượng phụ huynh đi kèm, đến nỗi có năm quá đông không đủ chỗ chứa cô phải gửi sang nhà người em của mình.

Thí sinh, phụ huynh tá túc miễn phí tại nhà cô Huyền - Ảnh: M.Tâm

Với ai, vợ chồng cô cũng không nỡ từ chối, bởi nghĩ người ta khó khăn mới tìm đến mình, mình chia sẻ được gì thì ráng hết sức trong khả năng có thể. Vả lại trước đây cả hai cũng trải qua khó khăn nên hơn ai hết họ biết thi đại học là mốc quan trọng để giúp các em có cơ hội đổi đời về nhau.

Cũng từ việc làm này, biết có nhiều hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ nên vợ chồng cô đăng ký với chùa tìm chỗ trọ miễn phí.

Sau đó biết được nhu cầu chỗ trọ miễn phí rất lớn nên hai vợ chồng bàn nhau chắt mót tiền mua thêm một căn hộ nữa để tăng thêm số lượng chỗ ở miễn phí cho các em...

Nghĩ là làm, năm 2010 vợ chồng cô dùng tiền tích cóp cộng thêm vay mượn của người thân mua một căn hộ có diện tích 4mx16m.

Cô Huyền tâm sự: “Dẫu số tiền vay mượn mua nhà trả vài năm mới xong, nhưng vợ chồng rất hoan hỉ bởi nhờ có nó mà sức chứa cũng được bung rộng thêm từ 60 người tăng lên tới 90 người… Chứ nếu mình nhận trường hợp này mà từ chối trường hợp khác sẽ ray rứt, áy náy vô cùng…”. Công việc thiện nguyện này cũng được sự đồng thuận của người thân.

Năm 2011, được bà con hỗ trợ, vợ chồng cô mua thêm một căn nhà nữa cũng ngần ấy diện tích, rồi dành hẳn 2 căn nhà riêng này để hỗ trợ các phụ huynh, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn vào ở miễn phí trong những ngày thi đại học.

Nhà rộng nên sức chứa cũng tăng lên, cứ y như rằng năm sau vợ chồng cô đón thí sinh, phụ huynh đông hơn năm trước: năm 2012, vợ chồng cô đón thí sinh, phụ huynh ở hai đợt thi là 225 người, năm 2013 là 235 người. Năm 2014, vợ chồng cô thuê thêm căn nữa tăng lên trên 300 người… 

Cô Huyền bộc bạch: “Hiện nhu cầu về chỗ trọ miễn phí vào mùa thi vẫn rất cao. Vì vậy, dù huy động 3 ngôi nhà nhưng mình vẫn thấy thiếu. Mình sẽ cố gắng trong khả năng có thể để mỗi năm sẽ có thêm nhiều chỗ mới cho các em”.                  

Ngoài trọ miễn phí, còn “bao” hết mọi thứ…

Vợ chồng cô sửa soạn nhà cửa rất tươm tất, tiện nghi, chu đáo để thí sinh đến đây nghỉ xem như nhà của mình: thoải mái, dễ chịu, an tâm… để bước vô phòng thi với tâm thế tốt nhất.

Tuy thoải mái nhưng vợ chồng cô cũng rất nghiêm khắc, ra nội quy thông báo hẳn hoi như 21g đi nghỉ sớm, không được ra ngoài.

Cô Huyền thổ lộ: “Ra nội quy như vậy để tiện bề quản lý các em. Nếu ra ngoài đi chơi rủi bị tai nạn, sự cố xảy ra thì sao… trong khi đây là cuộc thi rất quan trọng trong cuộc đời của các em…”.

Ngoài cho ở miễn phí, vợ chồng cô còn “bao” hết mọi thứ từ điện, nước, nước uống, xà bông, mùng mền… cho thí sinh, phụ huynh. Mì gói lúc nào cũng dự trữ phòng khi các em đói có cái dùng. Cô Huyền tâm sự: “Hai bữa cơm chính đều được chùa hỗ trợ phát miễn phí nên sáng vợ chồng hỗ trợ xôi, bánh bao… còn tối giặm thêm bánh mì, bắp… để các em có thêm buổi ăn sáng tươm tất và chắc bụng thêm buổi tối…”.

Nguồn kinh phí do vợ chồng cô vận động người thân, bạn bè, đặc biệt là những học trò xưa của mình, mỗi người chung tay góp một ít. Tuy nhiên do số thí sinh đăng ký ở trọ ngày càng nhiều nên thường vận động không đủ, vậy là vợ chồng lại xuất tiền túi thêm... Và để có kinh phí làm việc này, vợ chồng phải “cày” suốt năm.

Cô Huyền chuyện trò, thăm hỏi thí sinh - Ảnh: M.Tâm

Ngoài dạy chính khóa ở trường, cô còn phải làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập như phiên dịch, dạy thêm… Cô cười vui: “Tất cả công sức của một năm làm việc để dồn hết tài lực, vật lực cho mùa tuyển sinh”.

Nói về vợ chồng cô Huyền, đại đức Thích Minh Nhựt - ủy viên ban tổ chức, trưởng ban điều phối tiếp sức mùa thi khu vực TP Cần Thơ của ban hướng dẫn phật tử trung ương - cho biết: “Nhà của cô Huyền ở gần hội đồng thi Trường đại học Kỹ thuật - công nghệ Cần Thơ, Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, Trường tiểu học Võ Trường Toản… nên chùa thường sắp xếp những thí sinh gần những địa điểm thi này ở nhà cô”. 

Thí sinh Nguyễn Thanh Huy cho biết: “Em cùng cha từ Kiên Lương, Kiên Giang theo đoàn lên đây. Gia đình em cũng khó khăn, nhờ có chỗ trọ miễn phí này mà cha con em tiết kiệm được một khoản tiền, lại được ở một chỗ an toàn, thoải mái. Ngoài hai bữa ăn chính từ chùa, em còn được gia đình cô lo cho bữa điểm tâm, ăn tối… Cô còn xuống đây động viên, khích lệ tinh thần nên ở đây em cảm thấy ấm áp, thân tình…”.

Riêng vợ chồng cô khiêm tốn khi nói về nghĩa cử này: “Vợ chồng mình đều làm giáo dục nên phải dốc hết lòng cho giáo dục. Vả lại mình đứng trên bục giảng phải sống tốt khi điều kiện cho phép để trò noi theo. Đó là chuyện tất yếu phải làm…”.

 

"ỞTP Cần Thơ, vợ chồng cô Huyền là một trong những người tham gia lâu nhất, hỗ trợ nhiều nhất, nhiệt tình trong chương trình tiếp sức mùa thi do chùa phát động. Với tấm lòng thơm thảo, từ bi đó, tám năm nay vợ chồng cô đã giúp đỡ cho biết bao thế hệ…”.

(Đại đức Thích Minh Nhựt)

Theo MINH TÂM (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm