Sau vụ việc bị hại bỏ về giữa phiên tòa vì không nhận được thông báo của tòa, chiều 30-8, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở lại phiên xét phúc thẩm xét xử vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra vào tháng 6-2022 tại phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: ND |
Các bị cáo của vụ án gồm: Nguyễn Văn Quốc (29 tuổi), Nguyễn Văn Hùng (29 tuổi), Võ Đại Trung (30 tuổi), Nguyễn Duy Hoài (29 tuổi, cùng trú ở phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ); Châu Khắc Sĩ (49 tuổi), Phan Nghĩa (25 tuổi), Đoàn Thanh Thuận (40, cùng trú ở phường Trường An, TP Huế).
Ông Nguyễn Trọng Cường (46 tuổi, trú ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ) bị hại của vụ án vẫn giữ nguyên quan điểm trong đơn kháng cáo bản án xét xử sơ thẩm của TAND thị xã Hương Thuỷ vì cho rằng không khách quan, chưa đúng tội danh, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên tòa, LS Võ Ngọc Mậu, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị, LS của ông Cường, cho rằng việc HĐXX phiên sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội "Cố ý gây thương tích" là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về tội danh này mà hành vi khách quan của các bị cáo đã có dấu hiệu của tội "giết người".
Tại phiên xét xử, một chi tiết được tranh luận là việc cơ quan chức năng không trích xuất camera an ninh để làm rõ vụ việc. Ông Cường cho rằng, việc hành hung xảy ra trong khuôn viên công ty, nơi có đầy đủ camera ở mọi ngóc ngách nhưng không được cơ quan chức năng trích xuất để làm rõ.
HĐXX đã hỏi bị hại Cường về việc có tự trích xuất camera hay không, thì bị hại Cường cho rằng không có nghiệp vụ nên không thể trích xuất, nhưng sau khi xảy ra vụ việc thì đã nhắn tin cho cơ quan điều tra yêu cầu trích xuất nhưng việc này không được thực hiện.
LS Võ Ngọc Mậu cho rằng, việc trích xuất camera trong một vụ án hình sự không phải trách nhiệm của ông Cường mà là trách nhiệm của cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ án.
Việc cơ quan điều tra không tiến hành thu thập dữ liệu từ 19 mắt camera xung quanh hiện trường ngay tại thời điểm xảy ra vụ án, dù bị hại đã nhắn tin yêu cầu vì lo sợ quá 15 ngày hệ thống lưu giữ đã tự xóa bỏ, không thể phục hồi.
Vì nếu trích xuất được dữ liệu từ camera sẽ tường tỏ các câu hỏi then chốt của vụ án là có cố ý giết người hay không, hành vi côn đồ mức nào, có hay không việc cướp tài sản tiền từ nạn nhân (bị hại trình báo bị mất 285 triệu đồng trong lúc bị hành hung nhưng bị bác yêu cầu vì không có chứng cứ). Việc này, có thể được coi là dấu hiệu bỏ sót tội phạm thuộc về lỗi chủ quan của người và cơ quan điều tra.
Tại phiên tòa, LS Mậu còn yêu cầu xem xét đầy đủ những vật dụng được các bị cáo sử dụng để gây án. Đồng thời phản bác lại những điều chưa thuyết phục tại với bản án sơ thẩm.
Tại phiên xét xử, một số bị cáo cũng bày tỏ mong muốn được HĐXX giảm nhẹ mức án để sớm trở về chăm lo cuộc sống gia đình.
Do tính chất phức tạp của vụ án, nhiều nội dung cần phải xem xét kỹ, HĐXX đã tuyên bố Nghị án kéo dài. Thời gian tuyên án sẽ được thực hiện vào lúc ngày 6-9-2023 tại TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Như PLO đã thông tin, ngày 15-8, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích nói trên. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị hại là ông Nguyễn Trọng Cường đã bỏ ra về sau khi trình bày xong việc không hề nhận được thông báo của tòa về việc đưa vụ án ra xét xử.
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 17-6-2022, tại phường Thuỷ Phương, những bị cáo nói trên đã dùng nhiều hung khí như gậy gỗ, dao rọc giấy, ống tuýp sắt… xông vào công ty do ông Nguyễn Trọng Cường làm giám đốc và gây thương tích.
Xét xử sơ thẩm, TAND thị xã Hương Thủy đã tuyên phạt các bị cáo Vũ, Hùng, Sĩ, Nghĩa, Thuận từ 6 tháng đến hơn 11 tháng tù giam. Còn bị cáo Trung và Hoài bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, bị hại Nguyễn Trọng Cường đã có đơn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm không khách quan, chưa đúng tội danh, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.