Vụ chuyến bay giải cứu trước giờ tuyên án

(PLO)- Từ việc các bị cáo - cựu quan chức lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để trục lợi, các doanh nghiệp phải nâng cao giá vé chuyến bay giải cứu để có chi phí “bôi trơn”, tạo nên vụ án gây bức xúc dư luận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông báo của HĐXX TAND TP Hà Nội, chiều nay (28-7) tòa tuyên án 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu sau nhiều ngày nghị án kéo dài. Phiên tòa được mở từ ngày 11-7 thu hút sự chú ý của dư luận, người dân bởi hành vi phạm tội diễn ra trong hoàn cảnh người dân trong nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài rất khó khăn trong dịch bệnh COVID-19.

Lợi dụng tình cảnh dịch bệnh khó khăn để “ăn” hối lộ

54 bị cáo bị xét xử về năm tội đưa, nhận, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nội dung xét hỏi, tranh luận thể hiện tình trạng tham nhũng, phong bì, “luật ngầm” xảy ra ở nhiều cơ quan, bộ, ngành có thẩm quyền, chức năng trong việc cấp phép “chuyến bay giải cứu”.

Đọc thơ, lẩy Kiều tại tòa

Tại tòa, khi tự bào chữa và nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Tân (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỉ đồng, bị VKS đề nghị 8-9 năm tù) luôn đọc thơ và lẩy Kiều. Thậm chí khi nói về gia cảnh của mình, bị cáo Tân còn trích cả thơ thiền Trúc Lâm của Trần Nhân Tông (trong bài Thi đệ vấn đáp), rằng “Vườn nhà dẫu vắng người chăm sóc/ Ly trắng đào hồng tự nở hoa”…

Các bị cáo nhận hối lộ như Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thị Hương Lan - cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý phó thủ tướng, Trần Văn Dự - cựu cục phó A08 Bộ Công an… đều thừa nhận hành vi nhận tiền của doanh nghiệp (DN) trong quá trình đề xuất, trình duyệt, duyệt, phát hành công văn cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.

Tuy nhiên, các bị cáo này đều khẳng định không hề ép buộc, đòi hỏi DN phải chi tiền. Họ thực hiện công việc đúng trách nhiệm, sau khi DN được phê duyệt chuyến bay thì đến… cảm ơn.

Ngay trong bản luận tội, VKS cũng cho rằng nhiều bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu cho rằng nhận tiền là do DN cảm ơn, “đây là sự lập lờ nguy hiểm, cần nhận thức đúng đắn để loại trừ văn hóa phong bì”.

Lời khai của các bị cáo đưa hối lộ cho thấy họ phải chi tiền cho tất cả cơ quan có thẩm quyền, cho nhiều cá nhân ở cùng một cơ quan mới được cấp phép chuyến bay. Nhiều bị cáo khối DN đều khai về hoàn cảnh bị gây khó dễ khi xin cấp phép. Chỉ khi họ phải gặp gỡ, nhờ giúp đỡ và gửi phong bì “cảm ơn” thì mới được tạo điều kiện (tức là làm đúng chức trách, nhiệm vụ).

Bị xét xử về tội đưa hối lộ, các bị cáo khối DN đều xin HĐXX xem xét công và tội, và cho rằng họ ở tình thế buộc phải đưa hối lộ, như bị cáo Lê Hồng Sơn, Công ty Blue sky, nói thì “DN là nạn nhân của văn hóa phong bì”.

Bị cáo - cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Hoàng Văn Hưng trước tòa. Ảnh: PHI HÙNG

Bị cáo - cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Hoàng Văn Hưng trước tòa. Ảnh: PHI HÙNG

Mức án viện kiểm sát đề nghị các bị cáo tội nhận hối lộ. Ảnh: T.TRANG

Mức án viện kiểm sát đề nghị các bị cáo tội nhận hối lộ. Ảnh: T.TRANG

Chiếc cặp khóa số bí ẩn

Theo cáo buộc, vì đã đưa hối lộ xin cấp phép chuyến bay, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn (Công ty Blue sky) lo sợ và nhờ Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội tìm người giúp. Do quen biết Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Tuấn liên hệ và bố trí để Hằng gặp Hưng nhiều lần tại nhà của mình. Trong giai đoạn này, bị cáo Tuấn, Hằng khai đã đưa cho Hưng 1,85 triệu USD.

Sau khi bị điều chuyển công tác, không còn là điều tra viên, không còn thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết vụ án, bị cáo Hưng vẫn khẳng định “kiểm soát được”, vẫn hướng dẫn bị cáo Hằng khai báo và nhiều lần yêu cầu đưa tiền để Hưng lo lót với VKS, cơ quan điều tra. Tổng số tiền bị cáo Hưng nhận ở giai đoạn này là 800.000 USD, chia hai lần.

Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có căn cứ xác định bị cáo Hưng đã nhận 800.000 USD ở giai đoạn sau. Bị cáo Hưng bị xét xử về hành vi lừa đảo 800.000 USD, bị cáo Tuấn bị xét xử tội môi giới hối lộ số tiền 2,65 triệu USD, bị cáo Hằng bị xét xử tội đưa hối lộ số tiền 2,65 triệu USD.

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Tuấn, Hằng nhiều lần khẳng định đã đưa tiền cho Hưng như trên. Tuy nhiên, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng một mực phủ nhận.

Bị cáo Hưng nhiều lần khẳng định bị oan, “chưa bao giờ nhận một khoản tiền nào Tuấn chuyển cho” và “không bao giờ nói về tiền nong, bởi ngay từ đầu đã thống nhất chuyện của Hằng là không cần bất cứ thứ gì”.

Tuy nhiên, bị cáo Hưng thừa nhận ngày 5-12-2022 có nhận chiếc cặp khóa số bị cáo Tuấn gửi đến ở cổng cơ quan; lý do gửi là “trước đó tôi có nằm viện điều trị COVID-19, khi ra viện thì Tuấn có gọi điện thoại hỏi thăm và nói sẽ chuẩn bị quà cho bác sĩ giúp”.

Theo lời bị cáo Hưng, trong chiếc cặp này chỉ có bốn chai vang, còn theo lời của bị cáo Tuấn thì đó là 450.000 USD.

Trong phiên tòa, cả phần xét hỏi cũng như tranh luận, HĐXX dành nhiều thời gian để làm rõ vấn đề này. VKS cũng trình chiếu clip bị cáo Hưng nhận chiếc cặp màu đen ở cổng Cơ quan An ninh điều tra ở đường Trần Bình Trọng (TP Hà Nội). Hình ảnh trong clip cũng không thể hiện trong đó chứa USD hay rượu vang.

Tuy nhiên, VKS cho rằng việc truy tố đưa bị cáo ra xét xử dựa vào hệ thống chứng cứ từ lời khai của các bị cáo khác, tính khách quan của các lời khai, diễn biến điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu’’, dữ liệu cuộc gọi, thái độ khai báo của bị cáo Hưng…

Từ đó, VKS cho rằng bị cáo quanh co, chối tội, có thái độ xúc phạm cơ quan điều tra, VKS, gây áp lực với bị cáo khác; VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét thái độ, mức độ phạm tội của bị cáo để ra một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật. Trước đó, VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Hưng mức án 19-20 năm tù.•

“Phản bội đồng đội, đồng nghiệp”

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng.

23 bị cáo là đại diện DN đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng; bốn bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỉ đồng và hai bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng. Hiện các bị cáo đã khắc phục, nộp lại hơn 100 tỉ đồng và 1,85 triệu USD.

Theo VKS, các bị cáo nhận số tiền lớn trong bối cảnh người dân cả nước chắt chiu đóng góp vào Quỹ phòng, chống COVID-19 để chống dịch nên bị dư luận lên án gay gắt.

“Trong tình hình dịch bệnh, khi các nhân viên y tế, các chiến sĩ công an ở tuyến đầu chống dịch bất chấp sức khỏe, tính mạng cá nhân thì một số cá nhân lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để trục lợi. Hành vi này đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho, buộc DN phải nâng cao giá vé để có chi phí “bôi trơn”, đưa hối lộ, làm mất đi mục đích tốt đẹp của Nhà nước, phản bội lại chính đồng đội, đồng nghiệp của mình” - VKS nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm