Vụ cựu Chủ tịch Vimedimex: Tòa trả hồ sơ yêu cầu làm rõ trách nhiệm nhiều cán bộ

(PLO)- Sau khi nghị án kéo dài, HĐXX vụ Vimedimex quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung,  trong đó có nội dung xem xét trách nhiệm một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-4, theo dự định, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan và 10 đồng phạm về tội vi phạm quy định đấu giá tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ tuyên án.

Vimedimex (4).jpg
Các bị cáo trong vụ Vimedimex tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Toà bất ngờ quay lại xét hỏi

Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, Chủ tọa phiên tòa bất ngờ quay lại phần xét hỏi.

Chủ tọa phiên tòa hỏi lại cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan về các bút lục mà bị cáo Loan khai là giả.

Trả lời thẩm vấn, bà Nguyễn Thị Loan khẳng định có 37 bút lục giả mạo, chữ ký không đúng, nội dung không đúng. “Có nhiều nội dung và tình tiết tôi chưa nghe thấy bao giờ”-bà Loan nói.

Bà Nguyễn Thị Loan cũng khai rằng, điều tra viên tên Hiếu chưa bao giờ lấy lời khai của bị cáo. Sau đó, theo yêu cầu của chủ tọa, bà Loan nhờ luật sư giao nộp bản sao các bút lục mà bà cho là đã bị giả mạo cho HĐXX.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bà Loan khai có 20 bút lục lấy lời khai của bà là giả vì không đúng chữ ký, không đúng nội dung, điều tra viên lấy lời khai trong bút lục này không đúng với điều tra viên thường làm việc với bà.

Tuy nhiên, đến hôm nay, bà Loan khẳng định sau khi xem lại thì xác nhận là có 37 bút lục giả.

Trước diễn biến này, HĐXX quyết định tạm nghỉ để xem xét, thảo luận.

Sau khi thảo luận, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung. Cụ thể, giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và xác minh tài liệu liên quan đến điều tra viên Bùi Đức Hiếu.

Xem xét lại hành vi và tội danh của bị cáo Trần Công Tuyên, Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê.

Xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

Xem xét làm rõ quy trình thẩm định và ban hành chứng thư thẩm định giá của Công ty VNG.

Cựu chủ tịch Vimedimex kêu oan, có bỏ lọt tội phạm?

Theo HĐXX, tại phiên tòa, cựu Chủ tịch Vimedimex khai có một số bút lục nội dung không phải lời khai của bị cáo, nội dung cắt ghép, bị cáo chưa từng làm việc với Điều tra viên Bùi Đức Hiếu, chữ ký trong biên bản lời khai đó không phải của bị cáo, đề nghị HĐXX giám định.

Trong vụ án này, giá khởi điểm để tham gia đấu giá tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (ngày 20-11-2020) là 18.200.000đ/m2; trong khi đó có dự án sát với dự án trong vụ án này và đấu giá trước 1 ngày (tức ngày 19-11-2020) thì có giá khởi điểm 13.600.000đ/m2, bước giá 600.000đ/m2.

Bị cáo Loan đề nghị xem xét và so sánh đối với các dự án cùng thời điểm và đều liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Đông Anh. Bị cáo Loan nộp tại phiên tòa hồ sơ mời tham gia đấu thầu một số dự án cùng thời điểm.

Tại phiên tòa bị cáo Bùi Thanh Huyền khai có trao đổi với bị cáo Nguyễn Thị Diệu Linh Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Vvai về việc sớm thực hiện việc ban hành chứng thư thẩm định giá và xem xét hệ số giá. Bị cáo Linh thừa nhận là có trao đổi với bị cáo Huyền về nội dung nêu trên.

Bị cáo Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê khai quy trình xác định giá khởi điểm là có sự tham gia của nhiều cán bộ công chức thuộc các bộ phận, chức danh khác nhau và của liên ngành TP Hà Nội nên chỉ xác định hai bị cáo có hành vi phạm tội là chưa hợp lý.

Hai bị cáo là một trong những người tham mưu giúp việc và trình các cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm và việc quyết định giá khởi điểm thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP Hà Nội.

Còn bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Lê khai hành vi của bị cáo là không xem xét kiểm tra các thông tin trên các phiếu khảo sát do Công ty Vvai lập (các phiếu đó ghi thiếu thông tin).

Bị cáo đã được xem phiếu khảo sát do Công ty VNG thu thập thì cũng tương tự, về hình thức không khác nhau và cũng không có chữ ký của những người được khảo sát, thì lại được Công ty VNG làm căn cứ để ra chứng thư để định giá với lô đất trên.

Bị cáo cho rằng những thông tin ghi thiếu sót trong phiếu khảo sát không trực tiếp ảnh hưởng đến giá khởi điểm mà phụ thuộc vào tính trung thực của đơn vị thẩm định, khảo sát tài sản so sánh.

Bị cáo Trần Công Tuyên khai không có hành vi trao đổi, liên hệ, thỏa thuận đối với Công ty cổ phần thẩm định giá Vvai và bị cáo Vương Thị Thu Thủy về giá đối với lô đất đấu giá; bị cáo thực hiện theo trách nhiệm để phục vụ dự thu ngân sách nhà nước và đầu tư công; bị cáo không có quyền quyết định về việc đưa ra giá khởi điểm để đấu giá, nên bị cáo đề nghị HĐXX xem xét đánh giá lại về hành vi của bị cáo.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với một số cán bộ liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

Theo cáo buộc, các bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng và Vương Thị Thu Thủy, cựu cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp đã yêu cầu các bị cáo là thẩm định viên hạ giá trị khu đất khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (Đông Anh, Hà Nội).

Việc này tạo điều kiện cho các công ty đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Vimedimex trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền 135 tỉ đồng.

Cựu Chủ tịch Vimedimex bị cáo buộc còn dùng pháp nhân của 3 công ty tham gia đấu giá, thống nhất với các bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bị cáo Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm