Ông Đinh Trọng Yên, Phó phòng Nông nghiệp huyện Minh Hóa, nói: “Đừng nghe vỉa hè, dân phản ánh như vậy là không đúng”.
Ông Yên cung cấp cho chúng tôi văn bản đi kiểm tra (không có dấu chứng nhận của địa phương), bảo là giống đậu L23 lên tốt.
Theo người dân xã Trung Hóa, họ phản ánh đậu giống mà người dân ở thôn Tiền Phong kém chất lượng, gieo 10 lên ba thì ông Yên lại đi kiểm tra ở thôn 2 Thanh Liêm, nơi những hộ dân dùng hạt giống mà họ có để gieo.
Trao đổi về sự việc trên, ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, cho biết kiểm tra như thế là không đúng thực chất.
Người dân thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa, huyện MinhHóa, Quảng Bình rầu vì đậu giống kém chất lượng. Ảnh: MQ
Theo hồ sơ, khi mời thầu cung cấp giống đậu phộng cho người dân, Phòng Nông nghiệp huyện Minh Hóa yêu cầu giống đậu phộng phải là giống SVL1, L14, đây là giống chịu được thời tiết khắc nghiệt ở rẻo cao Minh Hóa. Thế nhưng khi triển khai, phòng đã để nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) thay đổi giống đậu phộng thành loại L23. Lý giải điều này, ông Yên cho là “cán bộ chuyên môn của phòng đã lấy mẫu thử giống L23, tỉ lệ nảy mầm 86%-100%”.
Tuy nhiên, như người dân phản ánh, các bao đậu giống vụn vỡ, thối đen hai đầu quá nhiều. Các thông tin theo quy định như mã lô giống, ngày sản xuất, hạn sử dụng… bỏ trống.
Trong chương trình hỗ trợ giống cho nông dân nghèo, huyện Minh Hóa cũng trích ngân sách mua heo, bò, gà, ngan, dê thì khá nhiều địa phương báo chết. Chẳng hạn ở xã rẻo cao Dân Hóa được hỗ trợ 66 con dê giống nhưng sau khi nhận về nuôi, chín con ngã ra chết. “Xã đã làm công văn gửi Phòng NN&PTNT huyện Minh Hóa nhưng không thấy phòng cử người về kiểm tra, giúp đỡ bà con” - ông Hồ Phước, cán bộ địa chính-nông lâm xã Dân Hóa, cho biết.