Ngay từ đầu giờ chiều, từng chiếc xe lớn chở các cầu thủ sinh viên ở các trường ĐH tại TP.HCM, hay phân hiệu ĐH Thủy Lợi, Huế, Hà Nội, ĐH Tây Nguyên làm rộn ràng một khoảnh đường ngắn trước trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Các cổ động viên khệ nệ khiêng vác những cái trống lớn, bong bóng cổ vũ, cờ phướn phất phơ bay rợp trời. Cầu thủ sinh viên có người mang dép, mang giày thể thao, người đi chân trần đeo túi xách, hay chỉ cần treo đôi giày lủng lẳng trên vai thành một đoàn quân rồng rắn vào sân. Ai cũng cười nói hồn nhiên dù chuẩn bị gay go vào một trận đấu lớn.
Khán đài sân trường ĐH Tôn Đức Thắng luôn náo nhiệt với các cổ động viên sinh viên hồn nhiên và vô tư. |
Trông các đội trường ĐH dù lần đầu tiên dự giải vẫn rất chuyên nghiệp và bài bản trong việc tổ chức một đội bóng, cùng lực lượng cổ động viên hùng hậu không khác gì một CLB của V-League, với sự cuồng nhiệt và vui vẻ hơn thế nữa.
Trên khán đài A của sân cỏ nhân tạo Tôn Đức Thắng không lúc nào ngơi nghỉ tiếng kèn trống, những lời kêu gọi cổ vũ liên tu bất tận, tiếng gào thét khàn cả giọng.
Lực lượng cổ động viên áp đảo của chủ nhà như cầu thủ thứ 12 giúp ĐH Tôn Đức Thắng bất bại ở vòng bảng với hai chiến thắng và một trận hòa, sớm giành vé chơi tứ kết. |
Chỉ huy dàn nhạc ĐH Thủy Lợi cầm hai chiếc dùi vừa đánh vào trống vừa hô thật to bắt nhịp cho nhóm cổ động viên: “Tùng tùng, Thủy Lợi; Tùng, tùng, Thủy Lợi”. Nhóm sinh viên ĐH Văn Lang ngồi bên cạnh ăn theo: “Tùng tùng, Thủy Lợi”, “Tùng, tùng, Văn Lang” từng đôi câu chữ hòa nhịp theo điệu trống rất vui tai. Ai cũng cười hết cỡ.
Vừa dứt tiếng trống, cổ động viên chủ nhà đồng thanh: “Biết bao tự hào là sinh viên Tôn Đức Thắng…. Lớn mạnh niềm tin, những tấm gương quên mình, những trái tim nhiệt tình, cùng nắm tay đi tới..”. Cứ thế, cứ thế, các nhóm sinh viên đi cổ vũ cho các bạn mình đá bóng cứ như mình đang trình diễn trên sân khấu bóng đá.
Luôn có rất đông cổ động viên trên khán đài cổ vũ vô tư cho tất cả các đội. |
Nhà báo Quang Tuyến của báo Thanh Niên ở lần đầu tiên làm giải sinh viên toàn quốc chạy ngược chạy xuôi bở hơi tai, vừa làm công tác tổ chức kiêm MC, vừa như hướng dẫn viên của các đội bóng. Anh kể mấy ngày qua, điện thoại từ các trường ĐH trên cả nước gọi anh liên tục, hỏi khi nào tổ chức mùa tiếp theo. Có người còn giận anh vì thiếu trường của họ.
Nhà báo Quang Tuyến tiếc rẻ khi mới tổ chức lần đầu cho 12 đội bóng sinh viên ở vòng chung kết, nhiều đội chưa biết đăng ký chơi ở vòng loại. Có rất nhiều trường có phong trào bóng đá mạnh, hứa hẹn mùa sau sẽ làm cuộc chơi sâu rộng và phong phú hơn.
Tất cả hòa chung một nhịp đập tình yêu bóng đá của các bạn sinh viên ở cuộc chơi lớn do báo Thanh Niên lần đầu tiên tổ chức. |
Không khí trên khán đài sân ĐH Tôn Đức Thắng lúc nào cũng cuồng nhiệt bởi sự hết mình của các cổ động viên... |
... cùng lối cổ vũ tự nhiên và hết mình giúp cho trận đấu nào cũng sôi động như ngày hội. |
Có lợi thế sân nhà, sinh viên trường Tôn Đức Thắng thường gây ra những "cơn bão" tiếp lửa cho tinh thần cầu thủ khi đứng ngồi chật kín các khán đài, như tinh thần của giải là "chơi đẹp, thắng đẹp, cổ vũ đẹp". |
Vòng chung kết giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam vẫn tiếp diễn đến ngày 26-3 với 26 cuộc so tài đỉnh cao của giới sinh viên toàn quốc ở những trường ĐH có phong trào phát triển. |
Giải đấu rất fair play với hình ảnh đội ĐH Thủy Lợi tri ân đồng đội của mình không may bị chấn thương phải tạm dừng cuộc chơi lớn. |
Cầu thủ ĐH Văn Lang ăn mừng chiến thắng với những tạo hình ngộ nghĩnh. |
ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội hưng phấn với màn chia vui cùng các bạn cổ động viên trên khán đài... |
... trong khi cầu thủ ĐH Nông Lâm chia sẻ niềm hạnh phúc với Ban huấn luyện sau chiến thắng nghẹt thở. |
"Đội khách" Đại học Huế rất tự tin ở lần đầu tiên du Nam chinh phục chiếc cúp giải bóng đá sinh viên Việt Nam. |
Những sinh viên đá bóng có tác phong như cầu thủ chuyên nghiệp... |
... và quan trọng hơn là tất cả đều có nhiều cơ hội đắm mình trong cuộc chơi lớn không dễ có trong đời như các sinh viên HCMUTE (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) với tạo hình rất "cute". |
Niềm tự hào của những người thắng cuộc ĐH Kinh tế quốc dân. |