Vườn rau giữa Washington, D.C.

Ở giữa Washington, D.C. mà tôi cực kỳ bất ngờ khi được họa sĩ Nguyễn Thị Hòa dẫn đến thăm một người đàn bà đặc biệt. Một người đàn bà “đặc” nông dân, mà là nông dân Bắc Bộ. Chúng tôi đến gặp bà cũng như muôn ngàn khách hàng của bà bao nhiêu năm nay. Bà không có gì khác các bà Mòi, bà Côi, bà Lãng quê mùa của đồng đất trồng rau màu quê tôi, của cái làng rau Láng Thượng nổi tiếng và thân thiết ở Hà Nội bây giờ.

Khu vườn rau của bà là một khu vườn rau thuần Việt, dường như nó không có liên can gì với cấu trúc hiện đại, tới sự to lớn hay tráng lệ, sự sang trọng diễm lệ của một thủ đô văn minh bậc nhất thế giới. Nó bình thản lọt thỏm giữa phố phường xứ Mỹ. Cũng rau mùi, rau xà lách, cũng ớt đỏ, ớt xanh, cũng rau muống, rau dền, cũng rau cần ta, cần tây, cũng rau húng dũi, húng láng, cũng cà chua, cà pháo, cũng riềng, gừng, vừng, tỏi. Rồi kinh giới, tía tô, húng tép, giấp cá… Vườn rau cánh đồng làng tôi có gì, bảo đảm khu vườn áng chừng ba, bốn hecta của bà có nấy. Sự sống của khu vườn cũng bình dị giống y hệt mấy khoảnh vườn còn sót lại dấu tích hợp tác xã làng Láng Thượng nhà tôi, có điều rau của bà tốt và có vẻ trật tự hơn tí.

Tác giả bên luống rau giữa Washington, D.C.

Bà thì cũ kỹ, cũ kỹ y hệt mấy bà nông dân Bắc Bộ thời trước bốn nhăm. Bà sống với ông chồng to lớn người Mỹ gốc Ðức. Bà kể: Hồi xưa nói bà từng làm nhân viên trực điện thoại cho một khách sạn ba, bốn sao gì đó của Mỹ ở Sài Gòn. Bà xinh đẹp, nói giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Ðức. Hỏi sao bà giỏi thế, bà trả lời giọng rặt Bắc cổ: “Giỏi con… mẹ đĩ gì, mồm không có ăn thì đầu gối phải bò thôi cậu ạ!”. Bà có hai người con đi làm ăn trên phố, có mấy khi gặp đâu. “Dạ, cháu thấy ông bà làm ăn ở đây hay hay là…”. “Hay ho gì, mình làm gì tùy mình, cứ theo ông pháp luật mà sống”. “Bà nói thế nghĩa là sao ạ?”. “Là tôi ở đây nửa đời rồi, cứ rau cỏ thế này, chả ảnh hưởng đến ai, chả ai làm gì tôi…”. Bà vẫn đội cái nón mê (đúng nghĩa là nón mê, tức là nón rách). Lưng bà hơi còng nhưng cách bà đi lại bên những luống rau khá hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà chỉ đạo mấy anh người làm da đen, có vẻ mấy anh này rất hiền và lặng lẽ răm rắp làm theo sự chỉ dẫn của bà. Ông chồng bà cũng lặng lẽ đứng bán rau, cân rau cho khách. Ông có một cái cân đĩa cũ kỹ và một cái cân dây cũng cũ kỹ, cổ lỗ sĩ hơn cả cái dáng quê mùa cổ hủ của ông bà. Bà thu tiền cho vào cái ruột tượng. Tôi đã nhìn thấy cái ruột tượng đựng linh tinh kiểu này của bà từ hồi tôi còn bé tí teo ở cái làng Sưa bé nhỏ bên sông Hóa của tôi. Bây giờ thấy lại nó, thấy nó được bà thoăn thoắt mở nút ra cho tiền vào, mở nút ra lấy tiền ra, tôi lại nhớ tới ngôi làng lam lũ của tôi bốn, năm chục năm trước.

Vườn rau nhà bà giống như một bảo tàng sống của văn hóa bên sông Hồng giữa Washington, D.C. Từ nơi bà, từ cái cách đi đứng, cách nói chuyện, cách làm lụng của bà nó tỏa ra một cách sống bình thản, nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt mà tôi e rằng bây giờ, ở làng tôi, ở quê tôi cũng không còn! Bà ngồi nói chuyện với tôi, tay cầm bát nước, thỉnh thoảng dùng nón quạt quạt, thỉnh thoảng te tái đi lại chỗ mấy anh da đen đang thực hiện một công trình gì đó của bà, nói một tràng tiếng Anh, thỉnh thoảng nói gì đó rất nhẹ nhàng với ông, hình như bằng tiếng Ðức.

Thỉnh thoảng bà nhấc cái tích nước sứt vòi (sao nó lại sứt vòi kỳ quái đến thế này, lại hợp với bối cảnh thế này?). Cái tích sứt vòi của bà để trong cái ấm dành cũ kỹ mới đẹp “đội hình” làm sao. Bà rót nước nóng hổi chè xanh ra mời khách. Tôi uống chè xanh giữa Washington, D.C. đây! Sướng không thể tả! Bát nước chè xanh này bà miễn phí cho tôi, tất nhiên. Nhưng mà đố ngài đại gia đại gì gì lắm tiền nhiều của mà được hưởng! Bà lại mời tôi chén mấy củ khoai lang, khoai sọ bà luộc sẵn và còn đặc biệt hơn, bà cho tôi mấy củ lạc rang. Hình như ông cũng thích cái món này, ông bốc cho vào cái túi tạp dề của ông cả nắm.

Tôi hỏi, rau của bà chắc toàn người Việt đến mua. Bà bảo, Tây nó thích rau của tôi lắm. Tây là chính cậu ạ, tất nhiên người Việt mình thì đa số ai cũng thích rồi. Cả cánh Tầu, cả cánh Hàn Quốc cũng đến mua. “Thế bà đã về quê lần nào chưa?”. “Có biết ai đâu mà về. Mà chắc gì còn ai mà về. Sống tha hương quen rồi. Bới lại chuyện cũ tôi sợ lắm!”. “Vâng. Thế nhà bà ở tỉnh nào?”. “Ninh Giang, cậu có biết không?”. “Dạ, có, tôi có biết, gần quê tôi lắm”.

Nói chuyện đến đây thì có một tốp khách khá đông đến mua rau. Bà bảo bà bận. Bận tiếp chúng tôi. Năm nay bà đã trên bảy chục tuổi, còn có khoảnh vườn nho nhỏ này, còn có ông chồng hiền từ và mấy người làm lành lặn này. Bà có vẻ yên thân với những thứ mình đã và đang có. Bà sống ở đây bằng sức sống hồn nhiên của thứ văn hóa thuần nông, thuần Việt, không ai nói gì bà, thậm chí người ta kính trọng bà, tôn trọng bà. Thế là ổn. Chứ gì nữa? Cái thằng tôi đây thì tôi vô cùng ngưỡng mộ bà. Bà là biểu tượng của một nền văn hóa, sức sống của bà là sức sống kỳ diệu của văn hóa, không hề có dấu vết gì của sự cạnh tranh, bươn chải, như ta thường nói là “cơm, áo, gạo, tiền”.

Nó trên tất cả cái thứ đó.

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm