Tôi quan sát thấy nhiều đường ở TP.HCM khi đến nơi giao nhau có biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải”, tuy nhiên tại rất nhiều ngã tư không có biển báo gì nhưng nhiều người khi đứng đèn đỏ vẫn rẽ phải bình thường. Vậy theo quy định hiện nay thì đèn đỏ có được phép rẽ phải không? Nếu không thì hành vi này bị xử phạt bao nhiêu?
Bạn đọc Lương Đức (luongduc05…@gmail.com)
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Điều 10 Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thì tín hiệu xanh là cho phép đi, tín hiệu đỏ là dừng lại. Riêng tín hiệu vàng thì người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”; nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Nếu khi đèn đã chuyển sang màu vàng mà người điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “Vạch dừng xe” thì sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Vì vậy mà theo nguyên tắc chung, khi đèn giao thông báo đỏ thì người tham gia giao thông không được đi và rẽ phải, trừ trường hợp có các thông báo sau: Có biển báo “đèn đỏ được rẽ phải”, người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải, hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường hoặc có đèn tín hiệu phụ hình mũi tên rẽ phải.
Do đó, trường hợp gặp đèn đỏ không có các thông báo cho phép rẽ phải nói trên mà người tham gia giao thông tự ý rẽ phải sẽ bị CSGT xử phạt theo Nghị định 46/2016. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức phạt cho hành vi này đối với xe máy là 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, đó là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.