Chiều 20-12, UBND TP Hải Phòng phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát bãi cọc Bạch Đằng phát lộ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ thuộc thôn 3, làng Mai Động (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) sau khi Viện Khảo cổ tiến hành khai quật.
Một trong những hố khai quật phát hiện cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ.
Bãi cọc bên sông Đá Bạc
Theo ghi nhận, tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, nằm gần đê bao sông Đá Bạc, Viện Khảo cổ và Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai đào ba hố, phát hiện được tổng cộng 27 đầu cọc Bạch Đằng.
Theo kết quả khảo cổ, các cọc tại ba hố khai quật phân bố chiều đông tây, đường kính 26-46 cm, trên cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc gỗ phân bố không thẳng hàng, bố trí thành thế trận của thế kỷ thứ 13.
Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần ba (năm 1288) để ngăn chặn đường rút của quân Nguyên Mông. Theo đó, Trần Hưng Đạo chỉ huy lập trận địa tại khu vực nhằm ngăn quân Nguyên Mông đi vào khu vực sông Giá, buộc quân thủy binh của địch phải rút theo sông Đá Bạc, rơi vào trận địa cọc trên sông Bạch Đằng.
Bãi cọc Bạch Đằng được Viện Khảo cổ và Bảo tàng Hải Phòng khai quật sau khi một gia đình nông dân ở thôn 3 (xã Liên Khê) phát hiện ra hai cọc Bạch Đằng.
Ông Nguyễn Tuân Triệu (56 tuổi), người phát hiện ra hai cọc Bạch Đằng, cho biết chiều 1-10, gia đình ông đào vườn trồng cau tại khu ruộng gần nghĩa trang làng Mai Động thì phát hiện hai cọc gỗ.
"Hai cọc gỗ hình trụ dài 3-4 m, đường kính độ 30 cm, bề mặt màu nâu đen. Chúng tôi nghi là cọc Bạch Đằng vì ở đây từng phát hiện ra cọc Bạch Đằng nên đã báo chính quyền đưa về trụ sở UBND xã” - ông Triệu nói.
Ông Nguyễn Tuân Triệu phát hiện hai cọc Bạch Đằng khi làm vườn tại cánh đồng Cao Quỳ.
Ngày 3-10, Bảo tàng TP Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, lấy mẫu cọc mà ông Triệu phát hiện được gửi Viện Khảo cổ giám định. Căn cứ vào đề nghị của Bảo tàng TP Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát do TS Lê Thị Liên thuộc Hội Khảo cổ học làm trưởng đoàn đã về khảo sát hiện trường.
Đầu tháng 11-2019, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học do TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng, làm trưởng đoàn đã khảo sát lần hai. Đoàn đã phát hiện thêm chín đầu cọc. Kết quả giám định của Viện Khảo cổ học cho thấy các cọc gỗ được phát hiện có niên đại năm 1270-1430.
Căn cứ vào kết quả các lần khảo sát này, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng TP Hải Phòng khai quật khảo cổ ba hố tại cánh đồng Cao Quỳ giáp nghĩa trang. Hố thứ nhất diện tích khai quật 280 m2 phát hiện 17 cọc, hố thứ hai rộng 198 m2 phát hiện hai cọc, hố thứ ba diện tích hơn 470 m2 phát hiện tám cọc.
Nhiều lần phát hiện cọc Bạch Đằng
Theo UBND huyện Thủy Nguyên, năm 1288, khi quân Nguyên Mông rút về nước, Trần Hưng Đạo đã chọn sông Bạch Đằng làm điểm quyết chiến tiêu diệt thủy quân của địch.
Trần Hưng Đạo bố trí trận chiến Trúc Động tiếp giáp xã Liên Khê để đánh chặn quân Nguyên Mông buộc thủy quân của địch phải theo sông Đá Bạc xuôi dòng Bạch Đằng, rơi vào trận địa cọc chính bị đánh tan tác.
Lực lượng chức năng khảo sát tại hố khai quật khảo cổ phát hiện cọc Bạch Đằng.
Đoàn khảo cổ xác định tại các di tích Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê (xã Liên Khê) còn ghi đậm dấu ấn Trần Hưng Đạo về khảo sát tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Nguyên Mông lần ba vào năm 1288.
Đoàn khảo cổ ghi nhận từ mấy chục năm trước, người dân Liên Khê đã nhiều lần phát hiện di tích cọc Bạch Đằng trong trận chiến đánh quân Nguyên Mông lần ba.
Theo đó, năm 1970, hộ ông Trần Văn Do (thôn 7, làng Quỳ Khê) phát hiện ba cọc gỗ đường kính 35-50 cm. Tại đầu núi Chẹo, người dân thôn 7, làng Quỳ Khê từng phát hiện 11 cọc gỗ. Hơn 30 năm trước, gia đình ông Nguyễn Công Từ (thôn 3, làng Mai Động) trong quá trình làm ruộng trên cánh đồng Cao Quỳ đã phát hiện 10 cọc gỗ.
Ông Nguyễn Công Vần, người quản trang tại nghĩa trang Mai Động, cho hay từ nhiều năm trước ông đã nhiều lần phát hiện cọc Bạch Đằng tại khu vực.
Ông Nguyễn Công Vần, người quản trang tại nghĩa trang làng Mai Động, cho biết tại khu vực nghĩa trang này ông cũng nhiều lần phát hiện cọc gỗ Bạch Đằng.
Gần đây nhất là khoảng hai năm trước ông Vần phát hiện được một cọc gỗ ngay khu nghĩa trang. Tuy nhiên, những lần phát hiện đó người dân không trình báo với chính quyền, cơ quan chức năng cũng không phát hiện. Tới nay mới có cuộc khai quật khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng tại khu vực.