Quan chức Sơn La từ chối trả lời việc ‘chạy’ điểm

Liên quan đến những trường hợp thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La, trong số 44 thí sinh được nâng điểm phần lớn đều là con, cháu của những lãnh đạo có chức vụ ở địa phương, thậm chí cả lãnh đạo trong ngành công an, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La…

Tự tin về năng lực của con

Trong danh sách được báo Tuổi Trẻ công bố có những thí sinh là con lãnh đạo được nâng tới 25, 26,55 điểm/ba môn. Ví dụ, thí sinh mang số báo danh 14000430. Em này có năm môn được nâng tới 25 điểm, trong đó toán từ 2,6 điểm thành 9,4 điểm, vật lý từ 2,75 điểm lên 9,5 điểm. Thí sinh này có cha là một cán bộ cấp phòng Công an tỉnh Sơn La.

Một thí sinh khác là con ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai. Xác nhận với báo chí, ông Dũng cho biết con gái ông học Trường THPT chuyên Sơn La, ông không quan tâm đến thông tin này, gia đình ông tự tin không có tác động gì vào điểm số của con.

Cũng trong chiều 18-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Kỳ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, Sơn La, cho biết ông đã nắm được thông tin về danh sách thí sinh được nâng điểm, trong đó có hai thí sinh là con hai cán bộ tại hạt kiểm lâm này. Khi được hỏi về việc các cán bộ của mình dính đến vụ gian lận điểm thi, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn sẽ có hướng xử lý như thế nào, ông Kỳ cho biết sẽ xử lý theo định hướng chung của tỉnh.

Tiếp tục liên hệ với ông Hải, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, có con được nâng 6,4 điểm, ông Hải cho biết đã nghe thông tin và từ chối trả lời thêm.

Đáng chú ý, trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi tại Sơn La có con của ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, được nâng 3 điểm. Trước khi chấm thẩm định, con ông Hoàng có điểm môn lịch sử, địa lý lần lượt là 9,5 và 9,5. Sau chấm thẩm định, điểm giảm xuống còn lịch sử: 7,75, địa lý: 8,25. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về thông tin này, ông Hoàng cho biết ông nhận được quá nhiều cuộc gọi và đang cảm thấy mệt mỏi. Thông tin chính xác cứ để cơ quan có thẩm quyền trả lời.

Danh sách phụ huynh có con được nâng điểm thi ở Sơn La. Ảnh: TTO

Có thể bị truy cứu một trong bốn tội danh

Việc cán bộ, quan chức có con trong danh sách nâng điểm thi khiến dư luận đặt vấn đề liệu những cán bộ này sẽ bị xử lý như thế nào.

Về vấn đề này, luật sư Vũ Phi Long, Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng trước nhất phải dựa vào chức vụ và hành vi cụ thể của những người trực tiếp tác động đến việc nâng điểm thi mà cơ quan chức năng mới khởi tố để xác định tội danh chính xác trong vụ án. Có thể ban đầu cơ quan chức năng khởi tố tội này nhưng sau quá trình điều tra hoàn tất có thể đề nghị truy tố tội danh khác.

“Trên cơ sở dữ liệu hiện tại, theo tôi, các cá nhân đã bị khởi tố có thể bị truy tố bởi một trong bốn tội danh sau: đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo công tác hay làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định của BLHS 2015.

Đối với ba tội sau, nếu cơ quan điều tra chứng minh các phụ huynh có liên quan đến vụ chạy điểm và nếu xác định họ có can thiệp để những bị can nâng điểm thì họ sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm tội danh đó. Tội giả mạo công tác là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu... Ở đây, bảng điểm được xem là giấy tờ, tài liệu. Chủ thể của tội danh trên là người có chức vụ, quyền hạn nhưng vai trò đồng phạm có thể là các phụ huynh, dù họ không có chức vụ trong việc này nhưng là người xúi giục, yêu cầu người khác thực hiện hành vi phạm tội… Cạnh đó cũng cần nhấn mạnh không giống như tội đưa hối lộ, giả mạo công tác vừa đề cập, hai tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, các cá nhân cũng bị xử lý hình sự mà không cần chứng minh có lợi ích vật chất hay động cơ vụ lợi… Ngoài ra, tùy theo mức độ của hành vi có nghiêm trọng không, cơ quan tố tụng có thể xét chỉ xử lý hành chính thay vì hình sự theo luật định đối với các phụ huynh khi bị coi là đồng phạm”.

Trong khi đó, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng nhận định: “Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 BLHS 2015 thì những người liên quan như các phụ huynh nếu có can thiệp để những người kia xử lý nâng điểm thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu những người này là cán bộ, công chức mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để nâng điểm cho con em mình thì hành vi này cũng là một dạng trục lợi và nó thuộc một trong các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 8 Nghị định 34/2011 từ nhẹ nhất là khiển trách cho đến mức buộc thôi việc và có thể cũng bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 BLHS.

Nếu trong quá trình điều tra chứng minh được họ đã bỏ tiền ra mua số điểm cho con em mình thì cơ quan điều tra có thể đổi tội danh thành tội nhận hối lộ đối với người nhận, như vậy thì những người đã mua điểm phải bị xử lý về tội danh đưa hối lộ.

Ủy ban Giáo dục của Quốc hội yêu cầu báo cáo vụ gian lận điểm thi

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình, chiều 18-4 cho biết đã có văn bản yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo tình hình xử lý vụ gian lận điểm thi năm 2018.

“Năm ngoái, sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu cơ quan của Chính phủ báo cáo. Quan điểm lúc đó của ủy ban là các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vụ gian lận thi cử này. Nay Bộ Giáo dục có kết quả rà soát, chấm điểm lại các trường hợp nghi vấn, chúng tôi tiếp tục theo đuổi, yêu cầu báo cáo xem đã giải quyết đến đâu rồi” - ông Bình nói.

NGHĨA NHÂN 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm