Nhiều quy định mới về công nhận liệt sĩ, bệnh binh… trong thời bình
Theo Bộ LĐ-TB&XH, pháp lệnh sửa đổi lần này khá nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là sửa một số quy định về việc công nhận liệt sĩ trong thời bình.
Cụ thể, điểm e khoản 1 Điều 11 pháp lệnh hiện hành quy định trường hợp được xem xét công nhận liệt sĩ là “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này gặp rất nhiều khó khăn do tiêu chí xác định “dũng cảm cứu người, cứu tài sản” không rõ, dẫn đến nhiều trường hợp chết khi cứu người bị đuối nước hoặc tham gia phòng, chống bão lũ, làm nhiệm vụ bị tai nạn… được công nhận liệt sĩ khiến dư luận xã hội không đồng tình.
Sau khi thảo luận, Chính phủ tiếp thu và sửa đổi Điều 14 của dự thảo pháp lệnh theo hướng xem xét công nhận liệt sĩ đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân. Công nhận liệt sĩ đối với những tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Về chính sách bệnh binh, Bộ LĐ-TB&XH cho biết quy định hiện hành nêu rõ hai trường hợp: “Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ” và “là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31-12-1994”.
Quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị xem xét bỏ chế độ bệnh binh trong thời bình. Vì bệnh binh khởi điểm là “chế độ trợ cấp dài hạn cho những quân nhân tình nguyện được phục viên vì ốm yếu mà không có khả năng lao động” được thực hiện từ năm 1958 theo Nghị định 500 của liên bộ Cứu tế xã hội - Tài chính - Quốc phòng.
Cạnh đó, đến nay Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nên bất kỳ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nào mắc bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Do đó, nếu tiếp tục thực hiện chế độ bệnh binh trong thời điểm hiện nay không còn phù hợp với hệ thống pháp luật... Chính phủ đề nghị sửa đổi, không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công, trừ các trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bệnh binh mới từ khi pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực, hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. “Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.