Tôi tình nguyện vào tâm dịch

Suốt một tháng nay, số người mắc COVID-19 tại TP.HCM có dấu hiệu tăng trở lại. Một số quận, huyện trở thành điểm nóng. Thành phố đã có nhiều biện pháp quyết liệt để đảm bảo vừa phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đội ngũ y bác sĩ lại được huy động, tiếp tục lên đường như một sứ mạng của một nghề nghiệp cao quý.
Tôi - chàng trai tuổi băm, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực truyền thông, có học về y - đăng ký tham gia tình nguyện và may mắn được lựa chọn.
Cảm giác ban đầu cũng lo toan nhiều. Đến đó bệnh nhân đông thì phải làm sao, bản thân mình sẽ sắp xếp công việc cá nhân như thế nào… Hàng loạt câu hỏi được cởi bỏ khi tôi gặp chị Bích - nữ nhân viên y tế phường đã gắn bó hơn 15 năm. Chị mừng rỡ ra mặt khi biết tôi tình nguyện đến hỗ trợ phường vì khối lượng công việc hiện tại của trạm đang rất lớn mà số lượng nhân viên của trạm chỉ 6-7 người.

Tác giả đang tư vấn cho bệnh nhân vừa test nhanh có kết quả dương tính. Ảnh: NVCC

Sau một hồi trò chuyện thì tôi quyết định ở lại trạm để tiện cho công việc hỗ trợ, nhất là những sự kiện bất ngờ xảy ra vào ban đêm hoặc đầu giờ sáng.
Ngay buổi chiều đầu tiên nhận việc, tôi thực sự bị choáng trước số lượng người test lại sau 14 ngày (theo quy định, người đã khai báo khi dương tính phải được test lại; nếu âm tính mới được cấp giấy hoàn thành điều trị). Tôi nhớ có khi đến cả trăm người. Chưa kể hàng loạt người đang chờ test vì có triệu chứng của COVID-19.
Nhóm zalo chung của trạm y tế thì rung lên liên hồi sau mỗi lần cập nhật ca bệnh mới. Điện thoại cố định của trạm, điện thoại cá nhân của tất cả nhân viên dường như không có thời gian ngơi nghỉ. Từ nhân lực đến vật lực đều hoạt động quá công suất.
Trước khi tham gia tình nguyện trực tiếp, tôi đã tư vấn cho F0 trực tuyến hồi đỉnh dịch tháng 8-9. Vì thế bản thân cũng có kinh nghiệm, kiến thức đủ để tư vấn cho người dân. Nhưng rõ ràng mọi thứ rất khác biệt. Áp lực qua điện thoại dầu gì cũng chỉ là gián tiếp. Ở đây, người bệnh mong muốn phục vụ cao hơn; một phần do bộ phận người dân còn thiếu kiến thức về COVID-19 nên họ rất hoang mang khi bản thân dương tính. Trấn an tại chỗ là điều tôi thực hiện đầu tiên: “Không sao đâu, về nhà nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ là sẽ sớm khỏe” - câu cửa miệng khi nhận thấy dấu hiệu bệnh nhân lo lắng.
“Lượng công việc hiện tại chưa là gì so với lúc đỉnh dịch”, chị Bích vừa nhập dữ liệu ca bệnh vừa tâm sự với tôi. Dẫu bước vào bình thường mới nhưng nhân viên y tế cơ sở vẫn đảm nhiệm các công việc như nhận cấp phát thuốc, nhập và xử lý dữ liệu ca bệnh và nhiều loại báo cáo khác. Chưa kể họ vẫn thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác của cơ sở y tế cộng đồng. “Mọi người áp lực lắm nhưng cũng vượt qua được”, chị Bích cười và nói thêm.
Khi được trải nghiệm, hỗ trợ thực địa, tôi chỉ mong khối lượng công việc hành chính được giảm xuống để họ được hoạt động chuyên môn nhiều hơn.
Bên cạnh công việc ở trạm, một số ngày, tôi và mọi người sẽ tham gia lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Điểm test cộng đồng cũng khá đa dạng từ xóm trọ đến nhóm dân cư. Đặc thù khu vực này là nhóm dân thu nhập trung bình nên họ ở san sát trong một môi trường khá chật chội. Đây là yếu tố làm biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có cơ hội phát tán mạnh. Ý thức vì cộng đồng cũng cần được nâng cao.
Tôi nhớ trong lần mẫu ở xóm trọ ven con nước đen ngòm. Những người đã dương tính được dân cư nhắc nhở liên tục phải ở trong nhà. Nếu xóm trọ nào cũng ý thức như vậy thì dịch bệnh tại TP HCM sẽ sớm được đẩy lùi.
Đó là những câu chuyện bình thường. Còn chuyện tôi phải nhớ chính là những bài học cho bản thân mình.
Khoảng 6 giờ sáng cách đây vài hôm, một chú hớt hải chạy chiếc xe máy đời cũ tới trạm xá. Chú nói không thành hơi, từng tiếng đứt quãng mà nếu bản thân không bình tĩnh rất dễ quạu. Chú có người vợ ở nhà bị tuột SpO2, hiện tại đang khó thở và cần cấp cứu.
“Lên đường cấp cứu”, tôi réo ekip.
Những ca như này vẫn thường xảy ra tầm 3-5 ca mỗi ngày, đòi hỏi đội ngũ phải luôn sẵn sàng trực chiến. Ngày 20-11 mọi năm của tôi là được ôm hoa chúc mừng từ học trò thì năm nay tôi ôm bình oxy đến nhà bệnh nhân. Người nào qua khỏi là những món quà tuyệt vời nhất. Nhưng cũng có những ca làm tôi nhớ mãi. Bệnh nhân qua đời khi diễn tiến bệnh quá nhanh. Người mất trong đợt này buộc phải test COVID-19. Nếu dương tính thì thực hiện tang sự theo trường hợp dương tính. 
Ca cấp cứu thì bất kể thời gian. Sáng có. Khuya cũng có. Nhưng tôi chưa thấy ai trong ekip than vãn cả. Có lẽ anh em tham gia đều xác định đó là một nhiệm vụ thiêng liêng.
Tôi cũng thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều sau lần tình nguyện này. Kiến thức y khoa, chăm sóc cộng đồng cũng được cải thiện. Còn vài tuần nữa, tôi sẽ trở lại cuộc sống và công việc thường lệ, tạm biệt các nhân viên y tế và trạm y tế nhưng nó sẽ là một ký ức đẹp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm