Ngày 12-2, trao đổi với chúng tôi về việc người dân xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) tố cáo cán bộ xã Tân Trung gian dối trong việc làm đường giao thông nông thôn, lấy tiền bỏ túi, ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch huyện này, cho biết: “Huyện vừa thành lập tổ kiểm tra gồm Huyện ủy, Ủy ban kiểm tra và Thanh tra huyện để xác minh vụ việc. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, huyện sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc”.
Từ việc còng người
Ngày 10-9-2012, người dân Tân Trung này bàng hoàng khi ông Phan Hoàng Điệp bị Công an xã Tân Trung còng tay, áp giải qua 4 km đường làng về xã. Người dân cho rằng ông Điệp bị bắt vì chỉ nộp có 3 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, số nợ 11 triệu đồng còn lại cứ khất hoài không nộp nên bị công an xã còng tay. Ông Điệp bị bắt buổi trưa, đến khuya thì được thả về nhờ bảo lãnh của người anh ruột. Sáng hôm sau, mẹ ông Điệp bán ba chỉ vàng dưỡng già, đưa cho con trai ra xã nộp nốt 11 triệu đồng tiền nợ, thế là yên chuyện…
Hai ngày sau ông Điệp làm đơn tố cáo việc bắt người trái pháp luật của Công an xã Tân Trung đến các cơ quan chức năng của huyện Đầm Dơi. Tuy nhiên, mãi đến nay ông chỉ được VKSND huyện phản hồi với nội dung “đã chuyển đơn cho công an huyện”.
Bà Trần Ngọc Diễm đang dùng tay cào con lộ mới làm xong 15 ngày đã bong tróc, lòi cả sắt. Ảnh: TV
Về việc còng tay ông Điệp, trưởng Công an xã Tân Trung cho biết chính ông đã ra lệnh. Lý do bắt ông không phải vì ông nợ tiền làm đường mà là để lấy lời khai trong vụ làm hồ sơ giả để hưởng tiền chính sách vì xã nói nhiều lần, ông Điệp không lên.
Đến dối dân, lừa huyện
Từ sự nhiệt tình quá mức của xã trong việc thu tiền làm đường, người dân nghi ngờ và âm thầm tìm hiểu. Đến cuối năm 2013 người dân mới lần ra được những manh mối: Có nhiều dấu hiệu cho thấy các cán bộ xã đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng từ việc làm đường theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Theo những tài liệu mà người dân thu thập được, đầu năm 2012 xã Tân Trung được giao làm chủ đầu tư thực hiện hai con lộ giao thông qua các ấp Tân Phú, Tân Điền và Công Điền, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 80%, người dân góp 20%. Xã đã họp dân, thống nhất mỗi hộ sẽ nộp 95.000 đồng/m lộ ngang qua mặt tiền đất mình. Hộ nghèo và chính sách được giảm, miễn. Với mức đóng góp này, người dân đồng tình cao nên con lộ nhanh chóng được khởi công, danh sách các hộ dân nộp tiền được niêm yết công khai, chi tiết đến từng đồng…
Tuy nhiên, người dân không ngờ rằng đằng sau sự công khai là một đống hồ sơ giả đã được xã lập ra để rút tiền từ ngân sách huyện.
Cụ thể một số trường hợp: Tại danh sách công khai trước dân ghi rõ ông Lưu Ngọc Đạt có 144 m lộ mặt tiền, do là hộ thương binh được giảm 104 m, còn nộp 40 m tương đương số tiền 3,8 triệu đồng. Tuy nhiên, trên biên bản giả gửi về huyện, xã đề nghị hỗ trợ 100% cho gia đình này trong khi vẫn thu tiền của ông Đạt. Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Nhã có 150 m mặt tiền, được giảm 50% nhưng xã làm biên bản giả gửi về huyện báo giảm 100% nhằm rút ruột 7.125.000 đồng; hộ bà Trần Ngọc Diễm bị thu 9,5 triệu đồng nhưng xã báo về huyện đã miễn thu của bà Diễm…
Nhiều trường hợp người dân không có mét đất nào bị ảnh hưởng nhưng xã vẫn làm danh sách đưa về huyện xin miễn tiền cho họ. Ví dụ, hộ ông Lê Văn Dũng không có mét đất mặt tiền lộ nào nhưng xã cũng xin miễn hơn 22 triệu đồng…
Bằng thủ đoạn trên, chỉ với 14 hộ ngân sách đã mất hơn 132 triệu đồng.
Trong việc dối dân, gạt huyện này, xã chơi trò làm hoa mắt người dân: Ở danh sách niêm yết công khai, xã ghi tên chồng nhưng trên biên bản báo khống về huyện xã đề tên vợ. Ví dụ, trong danh sách niêm yết tại xã ghi tên ông Lưu Ngọc Đạt nhưng trong danh sách gửi về huyện đề nghị miễn thì ghi tên vợ là bà Nguyễn Thị Lệ Tiên. Hay trường hợp của chị em bà Ba Diễm và bà Hai Nhàn, thực tế xã thu đủ 100% của hai bà này nhưng biên bản gửi về huyện lại ghi giảm 100% nhưng với tên Lê Thị Mười, vợ liệt sĩ (bà Mười là mẹ ruột của bà Hai Nhàn, Ba Diễm đã mất 26 năm trước, giao phần đất này lại cho các con).
Bà Trần Ngọc Diễm ở xã này có tường trình: Sau khi bà tố cáo, hai lần cán bộ xã đến xin đưa tiền giấy mực để bà rút đơn. Còn ông Hồ Văn Việt ở xã này tường trình: Đêm 8-2, bốn cán bộ xã đến nhà ông năn nỉ ông rút đơn, sáng hôm sau xã đến đưa lại ông số tiền 9,5 triệu đồng…
Trong biên bản gửi về huyện có chữ ký của ông Trần Mười Hai, đại diện các hộ dân nhưng ông này khẳng định chưa từng ký vào biên bản này. Chữ ký trên biên bản không phải của ông!
Xã chối phăng
Trao đổi với chúng tôi về những tố cáo của người dân, ông Trương Hoàng Thám, Chủ tịch xã Tân Trung, nói: “Tôi đã rà soát nhưng chưa phát hiện sai sót nào trong các dự án làm đường nói trên. Sau khi chúng tôi giải thích, dân đã rút đơn, chỉ còn hộ bà Ba Diễm. Chúng tôi cũng đã rà soát chuyện dân nói cán bộ xã đem tiền trả lại cho những hộ dân nhưng không có việc này”.
Về biên bản mà người dân khẳng định là giả, ông Thám và hai phó chủ tịch xã lý giải: “Sai sót về ngày, tháng trên các biên bản là do cán bộ ghi biên bản. Sai sót này không đáng kể”.
TRẦN VŨ
Bà Trần Ngọc Diễm, ngụ xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi kể sang sảng với chúng tôi và gần chục người dân trong xóm: “Tôi gửi đơn tố cáo ngày 2-1 thì ngày 8-1 bốn cán bộ xã đến năn nỉ tôi rút đơn, tôi không chịu. Ngày hôm sau, phó chủ tịch xã vô năn nỉ tiếp, tôi bảo không rút đơn. Nó ra hè điện cho ai đó, tôi nghe được lõm bõm là nó định tăng tiền giấy mực cho tôi. Trời ạ! Tôi đã 65 tuổi đời, gần 40 tuổi Đảng vậy mà nó định bỏ tiền để mua việc rút đơn. Tôi không thích thưa kiện nhưng cán bộ xã quá lộng hành, xem thường người dân, kỷ cương, phép nước"… |