Tuần lễ này sẽ là một tuần đầy khó khăn với Tổng thống Mỹ Donald Trump để ổn định lòng dân sau vụ xả súng ở Las Vegas (bang Nevada) và cả bão lụt nghiêm trọng ở vùng lãnh thổ Puerto Rico, theo New York Times.
Trước vụ xả súng Las Vegas, đợt cuối tuần rồi ông Trump lao đao trong cuộc chiến với chính quyền Puerto Rico quanh cơn bão Maria. Bà Carmen Yulín Cruz Soto, Thị trưởng TP San Juan và các quan chức Puerto Rico chỉ trích chính phủ ông Trump chậm cứu hộ bão Maria. Không chịu yên, ông Trump phản pháo rằng bà Cruz lãnh đạo tồi, chỉ biết trông chờ vào chính quyền trung ương.
Cuối cùng, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, ông Trump cũng lên lịch đến Puerto Rico vào ngày 3-10. Để bảo đảm hơn, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders còn đánh tiếng mời Thị trưởng Cruz đi cùng ông Trump trong các cuộc gặp ở Puerto Rico. Tuy nhiên, vẫn chưa yên tâm, đến chiều 2-10 một số cố vấn ông Trump còn đề nghị ông hủy chuyến đi vì lo ngại biểu tình chống đối.
Chưa lên đường đi Puerto Rico thì Las Vegas xảy ra vụ xả súng kinh hoàng lịch sử hiện đại Mỹ với 59 người chết, 527 người bị thương. Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống đến nay. Thái độ và giải pháp của ông Trump sau vụ xả súng này là điều rất được quan tâm.
Thế nhưng ngày 2-10, sau vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas, ông Trump chỉ nói lời chia buồn, lên án đây là “hành động của quỷ dữ”, kêu gọi đoàn kết, nói sẽ đến Las Vegas nhưng không đưa ra giải pháp nào. Vì theo ông, “giải pháp không dễ có”.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng Las Vegas ngày 2-10 từ Nhà Trắng. Ảnh: AP
Thái độ này không khó hiểu nếu nhìn lại hai năm trước lúc xảy ra vụ xả súng hàng loạt tại một hộp đêm đồng tính ở TP Orlando (bang Florida). Ông Trump khi đó còn là ứng viên tổng thống đã khẳng định không thể làm gì với bạo lực súng ống.
“Tôi có thể nói, ồ, chúng ta sẽ làm điều này điều nọ và nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Đất nước này và khắp thế giới này có những con người bệnh hoạn và bạn sẽ luôn luôn gặp khó khăn” - ông Trump nói với ABC News, tập trung đổ lỗi cho nguyên nhân bệnh tâm thần và gạt bỏ ý tưởng thắt chặt sở hữu súng.
Tuy nhiên, lần này ông Trump sẽ không dễ được cho qua chỉ với những lời chia buồn, lên án. Điều người dân Mỹ chờ đợi sau vụ xả súng này là quan điểm của ông Trump với việc kiểm soát súng, thắt chặt luật sở hữu súng.
Theo USA Today, không nước nào phải chịu đựng vấn đề từ súng ống như Mỹ. Từ năm 2010 đến 2015, trung bình mỗi năm nước Mỹ có đến 8.600 vụ giết người bằng súng, gấp năm lần láng giềng Canada và 10 lần so với các nước châu Âu như Hà Lan hay Pháp. Giá cổ phiếu các công ty sản xuất súng ở Mỹ tăng cao sau vụ xả súng Las Vegas, một dấu hiệu cho thấy sự hứng thú của dân Mỹ với súng ống còn lâu mới giảm.
Khám phòng khách sạn, nhà riêng, xe riêng của hung thủ Stephen Paddock xả súng Las Vegas, cảnh sát phát hiện hung thủ có tổng cộng tới 34 khẩu súng, hàng ngàn viên đạn và một số lượng lớn vật liệu nổ. Điều này cũng dễ hiểu khi luật sở hữu súng ở Nevada khá dễ dàng, không yêu cầu người sở hữu phải có giấy phép hay đăng ký súng.
Vụ xả súng kinh hoàng Las Vegas một lần nữa khiến vấn đề kiểm soát súng nóng lên tại Quốc hội Mỹ. Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi ngày 2-10 đề nghị Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thành lập một ủy ban hành động về bạo lực súng ống. Cựu nghị sĩ Gabrielle Giffords, bản thân từng bị bắn và chồng bà - cựu phi hành gia Mark Kelly cũng kêu gọi Quốc hội hành động.
Tuy thế, Reuters nhận định khả năng Quốc hội hành động không cao. Tu Chánh án thứ hai Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền sở hữu súng và ông Trump nhiều lần công khai ủng hộ điều khoản này. Bản thân ông Trump nhận tới 30 triệu USD tiền ủng hộ của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ thời còn tranh cử. Vì thế không khó hiểu khi Nhà Trắng ngày 2-10 nói quá vội vã để bàn tới chuyện kiểm soát súng ngay sau vụ xả súng này.