Ngày 28-10, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao là trụ cột chính của nền kinh tế, Hải Phòng đang xúc tiến đầu tư xây dựng thêm 15 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích hơn 6.400 ha.
Củng cố động lực tăng trưởng
Chiến lược này của thành phố cảng đã được nêu ra tại Đại hội Đảng bộ Hải Phòng hai tuần trước. Theo đó, 12 KCN hiện tại, tổng diện tích hơn 4.400 ha đã thu hút 167 dự án trong nước, 389 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên tới gần 500 nghìn tỷ đồng (gần 22 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN đạt hơn 40,6 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 30.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, cơ cấu ngành công nghiệp Hải Phòng chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ mức 25% năm 2015 lên gần 39% vào năm 2020. Trong đó, giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tăng nhanh từ mức 16% năm 2015 đã lên gần 46% vào năm 2020.
Một khu vực thuộc KCN Deep C tại Đình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng)
Những kết quả đó đang biến Hải Phòng thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để đón làn sóng này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra nhiệm vụ, từ nay tới năm 2025, thành phố cảng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 KCN với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận huyện. Trong đó, huyện thuần nông như Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN diện tích lớn nhất, hơn 1.450 ha, huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN, diện tích 900 ha.
Ông Lê Trí Vũ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết trong số 15 KCN dự kiến đầu tư mới này, có 11 khu đang triển khai các bước theo trình tự đầu tư. Trong đó KCN Xuân Cầu ở thị trấn Cát Hải 800 ha đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng. Các KCN Nam Tràng Cát 200ha (quận Hải An), KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 diện tích 650 ha (huyện An Lão), thành phố đã chuyển Bộ thẩm định.
“Với tiến độ như hiện nay cùng với các cam kết và hành động quyết liệt về thủ tục, tới năm 2025 sẽ lấp đầy 12 KCN hiện có, phấn đấu khai thác 30% công suất các KCN mới. Đến lúc ấy, các trung tâm sản xuất này sẽ thu hút cỡ 40 tỷ USD vốn đầu tư lũy kế, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD” – ông Vũ cho biết.
Trụ cột bứt phá
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, Hải Phòng đã xác định công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, bền vững là một trong ba trụ cột chính thúc đẩy kinh tế bứt phá cho những năm tới. Việc đầu tư xây dựng 15 KCN mới là hết sức quan trọng tạo tiền đề để phát triển công nghiệp theo hướng này.
Phối cảnh KCN Nam Đình Vũ Hải Phòng
Cùng với việc triển khai quyết liệt thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, Hải Phòng sẽ huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đầu tư hoàn hiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Cụ thể, thành phố sẽ thúc đẩy các dự án giao thông chiến lược như xây dựng các bến cảng mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nhà ga số 2 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, tuyến đường bộ ven biển qua Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2.
Ngoài việc chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, để "lót ổ đón đại bàng" Hải Phòng tiếp tục có các giải pháp đột phá thu hút, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước.
Hướng ưu tiền là các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới, có năng lực quản trị hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, liên kết theo chuỗi giá trị, mũi nhọn là cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, có cam kết chuyển giao công nghệ, hoặc đóng góp lớn cho ngân sách. Các hàng rào kỹ thuật sẽ được thiết kế chặt chẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Khu công nghiệp đô thị Tràng Cát sẽ sớm được triển khai tại quận Hải An (Hải Phòng)
Khó khăn lớn nhất trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là hạn chế về nền tảng công nghiệp phụ trợ. Do đó, Hải Phòng sẽ có chiến lược thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, như xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng KCN hỗ trợ tập trung...
Để sẵn sàng các điều kiện thu hút làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam mà Hải Phòng là địa phương phía Bắc có nhiều lợi thế, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tập trung rà soát, nâng cao chất lượng quản lý, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. “Mục tiêu trọng tâm là giảm thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp” - ông Vũ nhấn mạnh.