Xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ được kéo dài thời gian đăng kiểm

Trước việc ngưng hoạt động của các loại xe kinh doanh vận tải (KDVT) để phòng chống dịch COVID-19, nhiều đơn vị, hiệp hội vận tải tiếp tục kiến nghị kéo dài chu kỳ đăng kiểm cho xe vận tải hành khách, hàng hóa và taxi.

Theo các đơn vị, việc này vừa hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp (DN) vừa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Ô tô chín chỗ kinh doanh vận tải, thời hạn đăng kiểm mới lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và 12 tháng đối với những chu kỳ tiếp theo. Ảnh: THY NHUNG

Giúp DN vận tải bớt chi phí

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết hiện nay nhiều loại hình vận tải phải dừng hoạt động, đặc biệt là xe buýt công cộng, taxi, vận tải hành khách. Hiện chỉ có xe chở hàng thiết yếu còn được hoạt động.

“Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM có văn bản về việc không xử phạt đối với xe quá hạn đăng kiểm là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Xe nằm một chỗ không được chạy thì không nên phạt” - ông Tính nói.

Tuy nhiên, ông Tính cho biết phía hiệp hội vẫn đề xuất kéo dài chu kỳ đăng kiểm. “Đơn cử như loại xe chu kỳ chỉ được sáu tháng thì tăng lên một năm, loại một năm lên 1,5 năm… Như vậy sẽ giúp DN vận tải bớt chi phí đối với xe không hoạt động dài ngày” - ông Tính đặt vấn đề.

Tương tự như vậy, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay đa số các DN đều yêu cầu chặt chẽ về vấn đề bảo dưỡng, sửa chữa xe cao hơn trước. Vì vậy, việc kéo dài thời hạn đăng kiểm trong thời điểm này là rất tốt, giúp các DN giảm bớt chi phí.

“Vấn đề này hiệp hội đã đề xuất lên Bộ GTVT nhiều lần, nếu bộ đồng ý thì nên kéo dài thời gian đăng kiểm xe KDVT nói chung bao gồm cả hành khách, hàng hóa và cả taxi, không phân biệt riêng loại xe nào” - ông Quản cho hay.

Theo ông Quản, mỗi loại xe đều có công năng sử dụng và loại vận chuyển đã được nhà sản xuất quy định. Ví dụ tính năng xe nhỏ, xe du lịch có bố phanh và hệ thống máy nhỏ, xe lớn như xe khách, hàng hóa thì loại lớn, nhà sản xuất trang bị hệ thống phù hợp. Đồng thời luật cũng đã có quy định khống chế về tải trọng, số người, mỗi xe đã có tính năng, kỹ thuật phù hợp và có sự vận hành riêng.

“Vì thế không nên phân biệt về thời hạn đăng kiểm giữa các loại xe. Đề xuất gia hạn thời gian đăng kiểm cho tất cả loại xe KDVT sẽ giảm chi phí, thiệt hại kinh tế cho DN. Thời hạn đăng kiểm ngắn khiến DN mất thời gian đi đăng kiểm nhiều hơn. Thủ tục hành chính tinh gọn, đơn giản hơn để giúp DN” - ông Quản nói.

48.744

là số lượng xe quá hạn đăng kiểm 1-3 tháng, quá hạn trên ba tháng là 257.109 xe và loại xe quá hạn nhiều nhất là ô tô tải với 178.689 xe, tính đến ngày 9-8.

(Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam) 

Kéo dài chu kỳ đăng kiểm xe đến chín chỗ KDVT

Liên quan đến đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh chu kỳ đăng kiểm đối với ô tô chở người đến chín chỗ có KDVT, ông Trần Anh Quân, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: “Vừa rồi chúng tôi có sửa đổi Thông tư 70, dựa trên đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội đã kéo dài chu kỳ đối với loại hình xe từ chín chỗ trở xuống, còn xe KDVT về cơ bản vẫn giữ nguyên như trước”.

Theo đó, ô tô chín chỗ KDVT, thời hạn đăng kiểm mới lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và 12 tháng đối với những chu kỳ tiếp theo. Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc điều chỉnh tăng chu kỳ kiểm định của ô tô đến chín chỗ là giải pháp tháo gỡ khó khăn của Bộ GTVT đối với các tổ chức, cá nhân KDVT trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho hoạt động vận tải nói chung và các đơn vị nói riêng. Thông tư 16 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 70) sẽ chính thức áp dụng từ tháng 10-2021.

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị về vấn đề này. Theo đơn của hiệp hội, Thông tư 56/2012 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quy định chu kỳ đăng kiểm đối với ô tô chở người đến chín chỗ có KDVT lần đầu là 24 tháng, các lần tiếp theo là 12 tháng.

Tuy nhiên, ngày 9-11-2015, Bộ GTVT ban hành Thông tư 70, thay thế Thông tư 56 lại rút chu kỳ đăng kiểm đối với loại xe này xuống còn 18 tháng cho chu kỳ đầu và sáu tháng cho chu kỳ tiếp theo. Do đó Hiệp hội Taxi Hà Nội thấy rút ngắn chu kỳ đăng kiểm như vậy là bất hợp lý.

“Thông tư 16 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 70) sẽ quy định về mẫu tem kiểm định mới để phân biệt giữa ô tô có KDVT và ô tô không KDVT” - đại diện Cục Đăng kiểm cho biết thêm.

 

Quy định khi xác đị̣nh chu kỳ kiểm định của xe cơ giới

Thông tư 16 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 70) quy định: Chu kỳ đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu, thời gian hai năm, tính từ năm sản xuất. Xe cơ giới có cải tạo là xe thực hiện cải tạo chuyển đổi công năng hoặc thay đổi một trong các hệ thống lái, phanh (trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ).

Xe cơ giới kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn 15 ngày không được tính là chu kỳ đầu. Kiểm định lần hai có thời hạn kiểm định tính theo chu kỳ định kỳ nhỏ hơn thời hạn kiểm định của chu kỳ đầu thì thời hạn kiểm định được cấp bằng với thời hạn kiểm định của chu kỳ đầu (tương ứng với “loại phương tiện” trong bảng chu kỳ kiểm định nhưng tính từ ngày kiểm định cấp chu kỳ đầu).

Ví dụ: Ô tô đến chín chỗ không KDVT kiểm định và cấp chu kỳ đầu ngày 12-6-2020 được cấp giấy chứng nhận kiểm định với chu kỳ là 30 tháng, hạn kiểm định đến ngày 11-12-2022; đối với xe KDVT thì thời hạn kiểm định được cấp như sau: Chu kỳ kiểm định lần đầu của xe đến chín chỗ có KDVT là 24 tháng được tính từ ngày kiểm định và cấp chu kỳ đầu là ngày 12-6-2020, do đó thời hạn kiểm định được cấp cho xe là ngày 11-6-2022.

Thời gian sản xuất của xe cơ giới làm căn cứ để cấp chu kỳ kiểm định quy định được tính theo năm (như cách tính niên hạn sử dụng của xe cơ giới).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm