Trong tuần qua, bài viết “Sắp hết cảnh “thi nhau đi học” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học” nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc. Hầu hết ý kiến đều mong muốn sớm bỏ những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức ở những vị trí không cần thiết.
Nhiều người đồng tình, ủng hộ đề xuất giảm bớt chứng chỉ ngoại ngữ ở một số vị trí công việc. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục với công chức đang làm việc tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Học mà không hành, lãng phí
Anh Nguyễn Phước Đạt, ở Long An chia sẻ: “Ba tôi là giáo viên kiêm tổng phụ trách đội ở một trường tiểu học. Tuy tuổi ba tôi đã cao nhưng ông lúc nào cũng năng nổ, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tiếng Anh ba tôi tự học và giao tiếp ở mức cơ bản, không có bằng cấp gì cả. Năm nào ba tôi cũng được giấy khen của nhà trường và các cơ quan từ huyện đến tỉnh.
“Vừa rồi, nhà trường yêu cầu ba tôi phải có chứng chỉ B Anh văn trở lên thì mới được tiếp tục làm nhiệm vụ. Tôi thấy một tổng phụ trách đội cần chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên ở một trường tiểu học là không thực tế, bởi công việc ở trường cũng không cần đến ngoại ngữ ở trình độ đó” - anh Đạt bức xúc.
Chị TC, cán bộ tư pháp phường ở một quận tại TP.HCM, cho biết chị làm cán bộ tư pháp phường đã năm năm. Công việc chuyên môn của chị là giải quyết hồ sơ liên quan đến hộ tịch cho người dân. Việc ở phường bình thường đã rất bận rộn nhưng chị cũng phải thường xuyên cập nhật thêm những quy định mới, quy định sửa đổi để kịp thời giải quyết cho người dân.
Tất cả công việc được chị giải quyết nhanh gọn trên máy tính. Những kỹ năng trên máy tính chị cũng tự học từ trên mạng và đồng nghiệp.
“Nói thật, nếu giờ bảo tôi học thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì tôi không biết làm thế nào để sắp xếp thời gian học. Theo tôi, đối với những ngành nghề nào thật sự cần kiến thức về trình độ ngoại ngữ, tin học nhằm hỗ trợ chuyên môn thì hãy yêu cầu chứng chỉ, không thì nên bỏ hẳn. Nếu học ngoại ngữ để cho có, hợp thức hóa bằng cấp, không áp dụng thì qua thời gian cũng sẽ quên. Như thế sẽ lãng phí tiền bạc, thời gian” - chị TC nêu ý kiến.
Nên linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân
Anh SĐ, phóng viên của một tạp chí, cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất sớm bỏ những chứng chỉ liên quan đến việc viên chức phải thi như chứng chỉ ngoại ngữ.
Anh SĐ cho biết không phải tất cả vị trí công việc đều yêu cầu phải sử dụng được ngoại ngữ. Thực tế cho thấy cán bộ, công chức, viên chức làm trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập rất ít khi sử dụng ngoại ngữ trong công việc hoặc có cũng rất hạn chế. Trong khi đó, khi nộp hồ sơ đầu vào là yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
“Một ví dụ điển hình như trong lĩnh vực báo chí, nhiều trường hợp khi nộp hồ sơ thi tuyển, xét tuyển vào các cơ quan báo chí để làm việc, trong đó có tiêu chí có chứng chỉ ngoại ngữ. Trong khi đó, sau khi vào làm lĩnh vực mà họ phụ trách, bám mảng lại không cần sử dụng ngoại ngữ, thậm chí là chưa bao giờ sử dụng. Vì vậy, yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ đối với các kỳ thi xét tuyển công chức, viên chức vô hình trung khiến một số người có năng lực chuyên môn mất cơ hội việc làm” - anh SĐ chia sẻ.
Cũng đồng tình với đề xuất trên, chị Huỳnh Thị Thanh Điệp, nhân viên văn phòng, cho rằng có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì tốt nhưng không nên xem đó là điều kiện bắt buộc. Xét về góc độ nào đó, việc áp dụng các tiêu chí tuyển dụng của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cần chủ động, linh hoạt như tại các doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, đối với từng vị trí cụ thể thì có yêu cầu tuyển dụng phù hợp. Vị trí nào không cần ngoại ngữ thì không nên yêu cầu chứng chỉ liên quan.
“Theo tôi, khi tuyển dụng, việc quan trọng nhất của người sử dụng lao động là trình độ chuyên môn của người lao động. Họ làm việc ra sao, năng lực làm việc của họ như thế nào mới quan trọng. Còn đối với những chứng chỉ mà không phục vụ cho công việc của họ, không cần thiết thì không yêu cầu phải có” - chị Điệp chia sẻ.•
Mong sớm được bỏ Bài viết “Sắp hết cảnh “thi nhau đi học” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học” trong tuần qua nhận được nhiều bình luận của bạn đọc: - Tôi thấy những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học toàn học xong nộp vào cho có. Nếu không hỗ trợ cho chuyên môn thì việc bỏ đi là đúng, quan trọng là năng lực làm việc thực tế - bạn đọc Thanh Thiện. - Thật khó hiểu khi tuyển dụng bất kỳ vị trí nào, các cơ quan nhà nước cũng đòi hỏi thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Có vị trí biết chắc là không cần nhưng yêu cầu phải có cho đúng quy định - bạn đọc Thái Hòa. - Trong kỳ họp Quốc hội trước cũng đã có kiến nghị và cũng hứa xem xét để sớm bỏ những chứng chỉ liên quan đến việc viên chức phải thi như chứng chỉ ngoại ngữ. Sau đó thì buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học bổ sung. Đến kỳ họp Quốc hội lần này cũng lại nói và lại tiếp tục chờ văn bản chính thức. Chờ đến bao giờ, trong khi các giáo viên có người sắp về hưu. Mong việc này sớm được thực hiện - bạn đọc Thanh Hà. |