Xử án bạn chiến đấu

 “… Căn cứ vào mức độ phạm tội, tòa tuyên án bị cáo Nguyễn Thành Quang 10 năm tù…”.

Tiếng Thẩm phán Nam vang lên trong phòng xử án. Không khí im lặng, trang nghiêm. Trước vành móng ngựa, Quang như kẻ mất trí quỵ xuống rồi lại cố gượng đứng lên bên chiếc nạng, hai tay run rẩy bám lấy các thanh gỗ một cách vô hồn, khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt. Bất giác hai dòng nước mắt trào lên khóe mi. Mái tóc bạc trắng làm cho Quang quá già so với tuổi 57 của mình. Dù đã lường trước mức án mình phải chấp hành nhưng Quang vẫn không kìm nén được nỗi ân hận, xót xa cay đắng đang ầm ập kéo về như muốn xé toang lồng ngực.

- Anh ơi! Em và con biết sống sao đây. Trời ơi! - Tiếng Loan, vợ Quang, từ hàng ghế phía sau bật lên nức nở. - Anh Nam ơi sao anh không nghĩ lại chút tình, dù sao ảnh với anh là bạn chiến đấu sống chết có nhau bao năm trời. Vậy mà…

Cạnh Loan là hai đứa con gái của Quang và Loan không nói lời nào. Chúng đã lớn và đủ hiểu rằng mức án mà cha chúng phải lãnh là xứng đáng với tội lỗi mà Quang đã gây ra. Nhưng khi thấy công an còng tay Quang dẫn đi thì chúng bật khóc. Dù gì đi nữa cha chúng là người rất thương con, chăm sóc chúng từng ly từng tí từ lúc còn tấm bé cho đến khi chúng học xong đại học. Bước ngoặt thảm họa của gia đình chỉ xảy ra khi cha chúng được điều động về làm giám đốc ngân hàng cấp TP. Quang ít khi có mặt ở nhà hơn. Tiền, vàng mang về ngày càng nhiều hơn. Đất đai, tài sản các loại cứ tăng dần đến nỗi chúng không hình dung được cha nó có những thứ ấy từ đâu. Chúng mơ hồ linh cảm rằng tai họa đang tiến dần đến cái gia đình xưa kia tuy nghèo nhưng đầy ắp niềm hạnh phúc, còn bây giờ đã quá đủ đầy, đủ đầy đến thừa mứa nhưng hạnh phúc hôm nay sao thật mong manh. Và cái gì đến đã đến. Quang bị kết án vì tội tham ô, hối lộ.

Bên trong căn phòng nhỏ của tòa án, Nam ngồi im bất động, đôi mắt thất thần, mông lung suy nghĩ cứ đăm đăm nhìn về dáng đi thất thểu, khó nhọc, khổ sở của Quang trước khi bước lên chiếc xe bít bùng dành cho tội phạm trong sự gào thét của ba người phụ nữ. Điếu thuốc cháy dang dở trên tay anh thỉnh thoảng đỏ rực lên. Anh vừa tuyên án tù cho thằng bạn nối khố của mình, thằng bạn từng vào sinh ra tử với anh trong tháng ngày chiến đấu ác liệt trên chiến trường Campuchia. Anh cũng đã thọ ơn nó khi một lần bị sốt rét ác tính và Quang là người cõng anh cắt rừng suốt ngày đêm về đến trạm y tế tiền phương. Có lần Nam nói:

- Mày là ân nhân của tao, hổng có mày là tao đi “bán muối” từ khuya, sau này về Việt Nam nhất định tao mua heo, gà làm tiệc tạ ơn mày đã “vớt vát” tao từ cõi chết trở về.

- Thôi đi cha. Cha nói giống mấy ông nhà văn quá. Màu mè hoa lá cành hoài. Chuyện đó có gì đâu đáng kể. Tui mà có bệnh thì ông cũng phải cõng tui đi như vậy thôi. Bạn bè phải sống chết có nhau chứ. Quang cười hề hề.

- Ê, sau này ra quân mày tính làm nghề gì? - Nam hỏi.

- Tao theo ngành ngân hàng, mê nó từ hồi còn cấp ba mà. Còn mày?

- Tao sẽ làm thẩm phán tòa án.

- Chi vậy cha? Làm ông tòa lu bu lắm. Xử đúng thì thôi, xử oan thì ân hận suốt đời. Ê, có khi nào mai mốt mày làm tòa rồi xử án tao hôn?

- Nói tầm bậy tầm bạ có “huông” nghe cha. Mà mày léng phéng là tao bỏ tù mày cho tởn tới già. Nam cười khà khà, nụ cười rất lính. Ê, mai mốt tao với mày làm sui nghe, trai gái bên nào cũng được.

Chiến sự ngày càng ác liệt hơn. Quang bị thương trong một trận giao tranh với bọn Pôn Pốt - Iêng Xa Ri và trở thành thương binh sau khi bị cưa mất một chân. Ngày chia tay nhau ở biên giới, Quang dặn dò:

- Mày ở lại mạnh giỏi, chiến đấu tốt nghe. Tao về Việt Nam trước đây. Sau này sẽ gặp lại nhau.

Nhìn đôi mắt Quang ươn ướt và chiếc chân trái cụt ngủn còn bó bột trắng toát, Nam nghe nghèn nghẹn trong lòng. Chiến tranh ác liệt quá, tàn nhẫn quá và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

- Tụi tao mày mò đục đẽo tặng mày cái nạng bằng trắc đỏ, về bển nhìn cái nạng này là nhớ tụi tao nghe. Hẹn gặp lại ở Việt Nam.

Vậy mà đến sáu năm sau Nam mới gặp lại Quang, khi đó đã tốt nghiệp ĐH Tài chính-Ngân hàng. Cả hai mừng vui rơi nước mắt cứ khư khư ôm nhau trước cổng trường trước sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của bao sinh viên. Mặc. Lính mà. Nghĩ sao là làm vậy.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, 20 năm sau Quang đã là giám đốc một ngân hàng có tiếng của TP này. Ai cũng ngợi ca, nể phục sự ăn nên làm ra của cơ quan anh dưới sự chỉ huy của một người thương binh tàn nhưng không phế. Quang quá giỏi giang là đằng khác. Ai cũng thèm thuồng mái ấm người giám đốc năng nổ, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan. Còn Nam vẫn nghèo với đồng lương khiêm tốn của một người thẩm phán tòa án TP. Cũng may vợ con Nam luôn thông hiểu, chia sẻ khó khăn với chồng, sống rất tằn tiện, kham khổ. Có lần đi làm về thấy vợ có biểu hiện bất thường, anh hỏi ngay:

- Có chuyện gì em giấu anh phải hôn?

- Tối qua có người tới nhà gửi cho anh cái này. Em không nhận, người ta bỏ đại trên bàn rồi đi mất.

Nam hấp tấp mở gói quà ra xem. Bên trong là những tờ giấy bạc mới cứng mệnh giá 500.000 đồng. Nam ước tính số tiền ấy chắc cũng tới cả trăm triệu đồng.

- Anh tính sao bây giờ? Hay là…

- Hay, dở cái gì? Em tính nhận tiền hối lộ của người ta hả? Ở đời hổng ai cho không nhau một cái gì hết em hiểu không? Anh là thẩm phán lại càng không được nhận bất kỳ một thứ gì. Nghèo chết bỏ chớ nhất định không làm vậy đâu.

- Em biết. Mà anh ơi, nhà mình khó khăn quá. Anh sắp nghỉ hưu tới nơi mà mình chưa có tiền cất nhà phải ở tập thể cơ quan, đi xe máy Trung Quốc hư lên hư xuống, thằng Bắc năm nay vô đại học phải tốn kém nhiều thứ. Anh coi TP này có thẩm phán nào nghèo bằng anh hôn? Hay là… anh…

- Nín đi. - Nam quát lớn rồi bỏ đi ra phía cửa sổ với tâm trạng ngổn ngang. Nói vậy thôi chứ Nam rất hiểu và thương vợ con mình, những người đã, đang và sẽ chia xớt nỗi buồn, nghèo khó, lo toan với mình trong cuộc sống khó khăn hôm nay…

Tờ mờ sáng hôm sau, Nam đã thấy Quang sực mùi nước hoa thơm phức tới nhà mình trên chiếc xe bóng loáng sang trọng, nghe đâu trên 2 tỉ đồng.

- Dữ ác. Rồng đến nhà tôm. Có chuyện gì mà mày tới sớm vậy?

- Tao thấy báo đăng mày đem trả lại cả trăm triệu đồng tiền hối lộ chạy án, tao bái phục quá nên tới kiếm mày.

- Chuyện bình thường thôi mà. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Mà tao nói thiệt nghe, tiền ở đâu mà cha xây nhà hoành tráng mấy chục tỉ đồng, rồi xe cộ, đất đai, mấy chục cái nền nhà, mấy chục mẫu cà phê, tiêu ở Tây Nguyên… Nghe đâu mày có tới mấy con bồ nhí là hoa hậu, á hậu, người mẫu từa lưa. Sao tao lo quá!

- Mày làm tòa rồi thấy đâu cũng là tội phạm. Tao làm ăn đàng hoàng nghe mày. Vả lại nói thiệt nghe, tao làm ngân hàng mấy chục năm rồi, kinh nghiệm đầy mình, đâu có sơ suất để đi tù mày. Đi tù rồi ai làm sui với mày kia chứ. - Quang cười tự đắc.

- Thì bạn bè tao lo nên mới nói vậy. Nghe hay không tùy mày.

Mấy ngày nay Nam thấy vợ mình tươi tỉnh ra mặt có vẻ phấn khởi lắm. Gặng hỏi mãi mà Nhung không hé môi nửa lời. Sau buổi cơm chiều Nhung nói khẽ:

- Ngày mai anh làm chủ tọa phiên tòa xét xử anh Quang phải hôn?

- Sao em biết vậy? Có chuyện gì phải không? Mấy ngày nay anh mất ăn mất ngủ vì chuyện này đây.

- Rồi anh tính sao?

- Tính sao bây giờ? Có làm có chịu. Đứt ruột đứt gan cũng phải xử, không làm khác được.

- Em biết. Nhưng mà người ta đã cứu sống anh hồi chiến tranh, không có ảnh, anh có còn sống tới hôm nay để xử tội ảnh hôn? Sống phải có đạo lý, có tình cảm chứ anh, vả lại… vả lại…

- Vả lại cái gì? Em nói liền đi. Hay là… hay là…

- Trưa nay vợ anh Quang tới nhà mình năn nỉ ngày mai anh xử nhẹ cho anh ấy, vài năm tù cho có lệ vậy mà. Chị còn gửi cho mình mấy chục triệu đồng mua sắm tết. Thôi anh nhận đi, mình với ảnh là chỗ thân thiết, không ai biết đâu mà sợ. Mà làm vậy cũng để trả ơn cứu mạng cho người ta.

- Em để cho anh yên. Còn tiền đó mang trả lại cho vợ thằng Quang liền tức khắc. - Nam nổi nóng nói rất to.

***

Chiều cuối năm. Dưới tán cây sa pô của trại giam có hai người đàn ông nhìn nhau không nói một lời.

- Mày có giận tao hôn? - Nam hỏi khẽ.

- Sao lại giận. Mày xử sự như vậy là đúng. Tao giận tao đã đánh mất cuộc đời vì tiền, vì gái. Đau đớn nhất là đánh mất lòng tin với bao đồng đội đã hy sinh, trong đó có mày.

- Thôi. Chuyện đã qua nhắc lại làm chi. Mày cố gắng làm lại cuộc đời nghe Quang, dù trễ nhưng vẫn còn hy vọng, vẫn còn niềm tin, còn gia đình, bạn bè.

- Tao biết rồi. Mày ở ngoài đó nhớ tới lui động viên vợ con tao. Tao có lỗi với mẹ con nó quá. Hối hận thì đã muộn màng.

- Cứ yên tâm. Chuyện đó có tụi tao lo. Thông báo cho mày một tin vui, con mày đã có nơi nhận vô làm việc rồi, thiệt mừng hết sức.

- Mày nói thiệt hả? Con thằng tù như tao mà có được việc làm hả? - Quang buông người ngồi bẹp xuống sân xi măng.

Cơn gió xuân thổi ùa vào tâm hồn Quang những luồng gió hồi sinh, hướng thiện mát dịu hơn bao giờ hết.

Truyện ngắn của PHƯƠNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm