Xử vụ chuyến bay giải cứu: VKS công bố bằng chứng cáo buộc Hoàng Văn Hưng lừa đảo

(PLO)- VKS đã trình chiếu nhiều hình ảnh về tài liệu trong vụ án, phát video cựu điều tra viên nhận chiếc cặp khóa số…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-7, VKS bắt đầu tranh luận lại quan điểm của các luật sư (LS) bào chữa và bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu.

VKS chiếu clip Hoàng Văn Hưng nhận chiếc cặp khóa số

Tranh luận với quan điểm của LS bào chữa và bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên chính của vụ án trong giai đoạn đầu), đại diện VKS đã trình chiếu nhiều hình ảnh về tài liệu trong vụ án, phát video cựu điều tra viên nhận chiếc cặp khóa số trước cổng Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

VKS nhấn mạnh việc khởi tố bị cáo Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được chứng minh trên “hệ thống chứng cứ” bởi việc đưa tiền chỉ có hai người biết, trong khi bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội) thừa nhận, bị cáo Hưng không thừa nhận.

Đại diện VKS tranh luận lại quan điểm bào chữa của luật sư và các bị cáo. Ảnh: CTV

Đại diện VKS tranh luận lại quan điểm bào chữa của luật sư và các bị cáo. Ảnh: CTV

Về một số vấn đề cụ thể, VKS tổng hợp đối đáp theo từng nhóm.

“Trong phần bào chữa, bị cáo Hưng đặt ra một số nội dung mà chúng tôi thấy cần thiết phải tranh tụng để làm rõ sự thật về hành vi phạm tội của bị cáo, cũng như làm rõ tính gian manh, xảo quyệt trong việc che đậy hành vi phạm tội của bị cáo” - đại diện VKS nói tại tòa.

Cụ thể, theo VKS, bị cáo Hưng cho rằng cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố mang tính định kiến, nóng vội, tùy tiện, liều lĩnh, “tư tưởng bắt nhốt rồi sẽ khai nhận”, mặc dù cùng cơ quan nhưng trước khi khởi tố không được giải trình…

Đối đáp, VKS cho rằng trước khi khởi tố bị can, CQĐT đã ghi lời khai của bị cáo vào các ngày 5, 6 và 11-1-2023 nhưng bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội.

Sau khi khởi tố, bị cáo được hỏi cung tám lần, đối chất hai lần trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2023… Những nội dung này đều thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án.

Một nội dung khác, bị cáo Hưng nói lời khai của các bị cáo Sơn, Hằng (hai bị cáo “chạy án”), Tuấn không khách quan, sai sự thật, có sự bàn bạc, thông đồng để đổ tội cho Hưng.

Phản bác ý kiến này, kiểm sát viên nêu lại thời điểm khởi tố, bắt tạm giam các bị cáo. Theo VKS, thời điểm bắt khác nhau, giam giữ ở địa điểm khác nhau nhưng ba bị cáo trên đều khai rõ và thống nhất về hành vi của bị cáo Hưng.

“Chúng tôi khẳng định lời khai của Hằng, Tuấn, Sơn là khách quan, không có sự bàn bạc, thống nhất vì có cá nhân nào muốn cũng không thể làm được” - đại diện VKS cho biết đây là lý do CQĐT, VKS sử dụng lời khai của ba bị cáo để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Hưng…

“Bị cáo Hưng thể hiện sự tráo trở, chỉ khai báo nhỏ giọt những gì CQĐT đưa ra và không thể chối cãi” - đại diện VKS nói tại tòa.

Dẫn chứng, đại diện cơ quan công tố cho hay khi bị bắt vào ngày 11-1-2023, bị cáo Hưng không thừa nhận hành vi và khai không nhận bất cứ tài liệu, lợi ích vật chất gì từ Hằng, Tuấn.

Đến ngày 24-3-2023, khi được thông báo có dữ liệu camera việc bị cáo nhận chiếc cặp khóa số, Hưng mới thừa nhận nhưng khai trong cặp chỉ là bốn chai rượu vang, không phải tiền.

Đến ngày 26-3-2023, khi đối chất với Nguyễn Anh Tuấn, Hưng mới thừa nhận có nhận bản tự khai của Hằng ở nhà Tuấn.

“Từ chứng cứ trên, có thể đánh giá được sự không trung thực, tráo trở của bị cáo Hưng” - cơ quan công tố nhận định.

VKS cũng đánh giá lời khai của Tuấn, Hằng, Sơn phù hợp với diễn biến hành vi, kết quả điều tra vụ án chuyến bay, kết quả thực nghiệm, lịch sử cuộc gọi điện thoại

Về số tiền, bị cáo Hưng bị cáo buộc lừa đảo 800.000 USD, nhận tiền hai lần. Lần nhận tiền thứ hai là 450.000 USD trong chiếc cặp khóa số. VKS đã trình chiếu clip bị cáo Hưng nhận chiếc cặp khóa số.

VKS cho biết bị cáo Hưng gọi 13 cuộc cho Tuấn, bị cáo Tuấn gọi tám cuộc cho Hưng, việc này phù hợp với lời khai của Tuấn về việc Hưng hối thúc đưa tiền.

Mặt khác, theo VKS, lời khai của bị cáo Tuấn phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra, phù hợp với lời khai của nhân chứng Huy (tài xế của Tuấn) về thời gian, địa điểm, diễn biến Huy đưa cặp tiền cho Hưng, cũng phù hợp với dữ liệu trích xuất camera.

Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn nói: “Không ai tặng rượu mà bỏ vào valy và đặt mật khẩu cả”. Lời khai này, theo VKS, là phù hợp với thực tế khách quan.

Cũng theo cơ quan công tố, nếu Tuấn tặng rượu thì Tuấn phải gọi điện thoại trước để thông báo nhưng thực tế ngày 4 và 5-12-2022, Hưng đều là người chủ động gọi điện thoại trước. Nếu là tặng rượu thì không cần liên lạc liên tục như vậy, VKS nhận định.

Tự bào chữa sau đó, bị cáo Hưng tiếp tục phủ nhận cáo buộc của VKS. Trong lúc bị cáo trình bày, âm thanh ở phòng báo chí rất nhỏ, liên tục bị mất tiếng đứt quãng, chỉ có thể nghe được một số nội dung.

Về chiếc cặp khóa số có chứa 450.000 USD như bị cáo Tuấn khai và VKS cáo buộc hay không, bị cáo Hưng vẫn khẳng định bên trong chỉ là bốn chai rượu vang. “Mọi người thấy clip rồi nhưng không có lời khai, hình ảnh nào thể hiện bên trong có 450.000 USD” - cựu điều tra viên nói.

Nhiều bị cáo được VKS giảm mức án đề nghị

Ngày 21-7, sau khi nghe các LS, bị cáo bào chữa, VKS đã chấp nhận giảm mức án đề nghị cho một số bị cáo.

Trong nhóm tội nhận hối lộ, VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ cho bốn bị cáo gồm: Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch Hà Nội; Trần Văn Dự, cựu cục phó A08; Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam và Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Mỗi bị cáo được VKS đề nghị giảm một năm so với mức án đề nghị trước đó.

Ở nhóm tội đưa hối lộ, VKS đề nghị cho ba bị cáo được hưởng án treo thay vì tù giam như đề nghị trước đó.

Ở nhóm tội môi giới hối lộ, VKS đề nghị xử phạt Trần Quốc Tuấn (Công ty Vitrato) 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; đề nghị xử phạt Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội) 5-6 năm tù thay vì 6-7 năm tù như đề nghị trước đó.

“Không thể vô ý mà nhận hối lộ tới 253 lần”

Ngày 17-7, với cáo buộc nhận hối lộ 253 lần với số tiền hơn 42 tỉ đồng, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên bị VKS đề nghị mức án tử hình.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Kiên, LS không đồng tình việc VKS căn cứ “hoàn cảnh người khác” để quy kết số tiền 42,6 tỉ đồng là lớn.

LS của bị cáo Kiên phân tích bản chất 42,6 tỉ đồng Kiên nhận là của 30.000 công dân Việt Nam, mỗi công dân chỉ bỏ ra 500.000-2 triệu đồng để giúp được việc họ nhận được vé máy bay về nước. LS đặt câu hỏi: Vậy con số này lớn hay nhỏ?

“Đó còn chưa kể đến giá trị tinh thần vô giá họ nhận được khi được đoàn tụ với gia đình, người thân trong nước, riêng phần này cần được tính vào để tính toán đầy đủ số tiền 42,6 tỉ đồng là lớn hay nhỏ, nó có phải là quà cảm ơn không?” - LS bào chữa cho bị cáo Kiên nói.

Đối với quan điểm này, VKS cho biết: “Sau khi nghe quan điểm bào chữa của LS, chúng tôi thật sự rất phẫn nộ”.

“Quan điểm của LS thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau khổ, sự mất mát to lớn của đồng bào trong dịch bệnh cũng như người dân nghèo trên toàn thế giới” - VKS nói.

Ngoài ra, các LS bào chữa còn cho rằng bị cáo Kiên vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết hành vi của mình vì doanh nghiệp đưa bao nhiêu cũng được.

Tranh luận lại, VKS cho biết không thể vô ý nhận hối lộ 253 lần được, trong đó có gần 200 lần nhận qua tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo nói lời sau cùng

Chiều tối 21-7, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận và chuyển sang nghị án. Trước khi nghị án, HĐXX đã nghe các bị cáo nói lời sau cùng.

Hầu hết bị cáo nhóm tội nhận hối lộ đều xin khoan hồng và xin lỗi gia đình, nhân dân, Đảng, Nhà nước.

Bị cáo Phạm Trung Kiên sau khi xin lỗi, nhận tội trước HĐXX đã nói: “Bị cáo không nghĩ mình vi phạm đến mức phải bị loại trừ ra khỏi cuộc sống, loại trừ khỏi xã hội khi mới ngoài 40 tuổi”.

“Kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo một cơ hội được sống, để trở về phụng dưỡng bố mẹ, dạy dỗ con cái” - Phạm Trung Kiên nói.

Trong khi đó, nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục khẳng định bản thân bị oan, “tin tưởng rằng HĐXX sẽ có phân tích thấu đáo, khách quan để đưa ra phán quyết chính xác nhất, đúng quy định pháp luật nhất”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm