Tết miền Tây

Khoảng độ 14, 15 tháng 12 âm lịch, xuất hiện khá nhiều lò bánh tráng, các vĩ phơi bánh dựng đầy hai bên tuyến lộ nông thôn, trước các sân nhà. Nhà nhà tỉa mai để kịp trổ vào dịp tết. Các khoảnh ruộng, rẫy tranh thủ trồng bông vạn thọ, cúc, hướng dương. Cánh phụ nữ chuẩn bị vật liệu để gói bánh tét, làm mứt chuối, gừng, dừa, dưa kiệu... Cánh nam giới chuẩn bị rượu, tát đìa, tát mương bắt cá đồng, làm khô và các loại “mồi” nhậu để lai rai ba ngày tết với bạn bè, dòng tộc.

Quây quần gói bánh tét đón tết.

Khoảng 23 tháng 12 âm lịch là đã thấy mùi tết, khởi đầu với chuyện đưa ông Táo về trời. Không khí càng rộn ràng hơn, nhất là khoảng 27 đến 29 âm lịch, các sạp buôn bán đầy màu sắc với các mặt hàng hấp dẫn, nhiều nhất vẫn là bánh in, các lại mứt, rượu, bao lì xì, giấy dán dưa, dán nhà, trái cây, trầu, cau, mai, vạn thọ, cúc, thịt heo, dưa cải, hột vịt...

Trên bàn thờ ngày tết thường cúng các loại trái cây theo tục truyền “cầu dzừa đủ xài” kèm dĩa bánh tét, dĩa thịt kho dưa giá, chai rượu trắng, dưa hấu. Các gia đình rất quan tâm đến việc người “ xông đất” đầu tiên trong năm mới xem như đây là vận mạng, sức khỏe, công việc làm ăn thành đạt gia đình cả năm nên thường “đặt hàng” khách mời. Trong ba ngày tết mọi người bảo nhau: Không gây gổ, la mắng, nói bậy, không được quét nhà...

Sắc xuân đồng bằng Cửu Long.

  

Thời gian gần đây, không khí đón tết ở đồng bằng sông Cửu Long cũng dần dần đổi khác. Thợ may “miệt vườn” hầu như thất nghiệp vì xu hướng mua đồ mới may sẵn vừa tiện, nhanh. Thức ăn tết, bánh mứt các loại, phụ nữ thời nay không còn phải mất thời gian chế biến vì đã bán đầy ở các trung tâm thương mại, các chợ, các siêu thị. Không cần vội vã, có người đến chiều 29 tết mua vẫn kịp. Cây cảnh, mai, hồng, vạn thọ... và nhiều loại khác khoảng 15 tháng 12 âm lịch bán đầy ở bến sông, các đường phố trung tâm, về đến các chợ quận, huyện, tha hồ chọn lựa phù hợp với túi tiền người mua. Không có thời gian dọn dẹp nhà cửa chăng? Đừng có lo. Đã có dịch vụ “ô sin” phục vụ chu đáo miễn gia chủ có tiền. Những năm gần đây lại rộ lên dịch vụ “thuê mai” ngày tết. Không choáng ngợp sao được khi thấy nhà hàng xóm chở về những gốc mai hoành tráng trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng đặt hiên ngang trước sân, để rồi sau tết chúng lại được chuyển đi.

Trưa 30 âm lịch coi như chấm dứt việc mua sắm. Đường phố bắt đầu vắng, hàng quán dẹp dần, chỉ còn người lao động nghèo tranh thủ đi sắm tết muộn với tâm lý hàng dạt không bán thì thương lái cũng chẳng mang về quê xa được, nhất là trái cây, cây kiểng rẻ tiền. Chiều và đêm giao thừa, đàn ông thường ở nhà xem truyền hình, “lai rai” với bạn bè lối xóm, phụ nữ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, coi lại các món ăn, cúng kiếng giao thừa, trẻ con thì ra đường rong chơi, coi bắn pháo hoa sau giao thừa mới về đến nhà.

Thời @ có khác. Tết bây giờ thật giản đơn. Nhiều người lên lịch đi “dã ngoại” suốt mấy ngày xuân. Thanh niên vùng sâu có khi say xỉn suốt ngày để giết thời gian. Nhiều người bảo nhau mong tết đến để có thêm tiền lương tháng 13, tiền thưởng, quà biếu xén. Xong việc ấy rồi chỉ mong tết qua mau. Những người hành nghề thu mua phế liệu là vui mừng nhất vì trúng đậm các loại vỏ bia lon, nước ngọt, thùng các tông và các thứ khác quăng ra trong những ngày tết.

SONG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm