Sáng 27-7, nhiều người thân, đồng đội, người dân nhiều nơi đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để thắp hương, viếng các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Ảnh: NGUYỄN DO |
Đây là nơi an táng liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: NGUYỄN DO |
Dưới cái nắng như đổ lửa, người phụ nữ lớn tuổi dáng người lom khom ẩn hiện giữa hàng ngàn bia mộ, bà tìm đến một ngôi mộ và bật khóc nức nở. Bà là Nguyễn Thị Thuận, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo (hi sinh vào năm 1972). Ảnh: NGUYỄN DO |
Bà Thuận cùng gia đình mang theo kỷ vật là những bức ảnh, chiếc đồng hồ của liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo. Ảnh: NGUYỄN DO |
Bà Thuận kể, cưới nhau chưa được một tuần thì chồng là Nguyễn Văn Bảo lên đường đi kháng chiến. Trong suốt thời gian đó, những tình cảm của họ nhắn gửi chỉ qua từng lá thư. Sau khi hi sinh, hơn 20 năm trước, họ mới tìm thấy phần mộ của chồng được an táng tại Nghĩa trang Đường 9. Ảnh: NGUYỄN DO |
Ngồi sững sờ bên nấm mộ chồng, bà Thuận kể: "Những năm trước khi sức khỏe còn tốt thì năm nào cũng vào thắp hương, nhưng mấy năm rồi sức khỏe yếu, dịch bệnh COVID-19,...mãi đến năm nay mới trở lại". Ảnh: NGUYỄN DO |
Gia đình thắp hương phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo và đồng đội. Ảnh: NGUYỄN DO |
Ở những góc khác của nghĩa trang, nhiều người thân, đồng đội ở nhiều nơi cũng trở về thắp hương, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NGUYỄN DO |
Ông Nguyễn Ngọc Giao (ở Hà Nội) có mặt tại phần mộ anh trai mình là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quỳ ngay từ sáng sớm. Anh Giao kể rằng, vào năm 2011, ông cùng đoàn của đơn vị vào dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 thì bất ngờ phát hiện ngôi mộ có tên "liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quý" nhưng có ngày tháng năm sinh, địa chỉ trùng với địa chỉ của anh trai ông nên đã tiến hành xác minh thông tin và đúng đó là anh trai mình. Ảnh: NGUYỄN DO |
"Giữa Quý và Quỳ có thể do quá trình thu thập thông tin liệt sĩ, từ đó đến nay, năm nào tôi cũng vào nghĩa trang đường 9 để thắp hương cho anh trai mình" - anh Giao nói. "Lần này đúng dịp 50 ngày anh hi sinh, tôi có viết đôi câu thơ để tặng anh: Tháng 9-72 Anh nằm lại 50 năm rồi đấy Anh ơi Mong Anh yên nghỉ bên đồng đội Giọt máu lưu danh mãi muôn đời". |
Phần mộ của 1 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67 khi làm nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 và 2 liệt sĩ của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh vào mùa đông năm 2020. Ảnh: NGUYỄN DO |
Ngôi mộ chung của 123 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: NGUYỄN DO |
Những ngày này, tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và 70 nghĩa trang khác tại Quảng Trị cũng đón nhận các thân nhân, đồng đội và người dân đến thăm viếng dâng hương. Ảnh: NGUYỄN DO |
Người dân kính cẩn dâng hương tưởng nhớ những công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho từng tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng. Ảnh: NGUYỄN DO |