Ý củng cố lập trường với Trung Quốc vì 'Vành đai và Con đường'

Hãng tin Bloomberg ngày 16-9 đưa tin Ý cam kết sẽ hành động phù hợp với lập trường của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) liên quan lĩnh vực đầu tư, thương mại với Trung Quốc.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh EU ngày càng có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trước lo ngại những ảnh hưởng của sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Theo đó, ông Vincenzo Amendola - bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ý - cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các quốc gia EU đã quá lâu không "ưu tiên có đi có lại" với Trung Quốc.

“Ý hướng tới quan hệ thương mại với tất cả các nước. Tuy nhiên, các thỏa thuận với Trung Quốc hiện nay đều chịu sự ràng buộc từ 27 quốc gia thành viên EU vì hoạt động thương mại liên quan đến chủ quyền của châu Âu” – ông Amendola, thuộc đảng Dân chủ, cho biết.

Ông Amendola nói: "Khi nói đến các tác nhân thị trường, những gì chúng tôi có thể làm ở châu Âu lại không được phép ở Trung Quốc".

“Châu Âu có các quy tắc rõ ràng, minh bạch, theo định hướng thị trường được áp dụng bởi tất cả 27 quốc gia thành viên EU và chúng tôi cũng áp dụng sân chơi bình đẳng này cho các đối tác thương mại của mình. Trung Quốc có vấn đề trong sự cạnh tranh tự do với các bên tham gia thị trường” - Bộ trưởng Amendola nhấn mạnh.

Ông Vincenzo Amendola - Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ý. Ảnh: BLOOMBERG

Theo Bloomberg, Ý đang dần thay đổi lập trường với Bắc Kinh sau khi chính phủ tiền nhiệm hồi tháng 3-2019 đã tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ý là thành viên đầu tiên trong nhóm các cường quốc công nghiệp G7 (Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nhật Bản, Canada) ủng hộ sáng kiến này của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Amendola lưu ý rằng ông và đảng Dân chủ không tham gia ký kết “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc năm 2019 và luôn phản đối quyết định tham gia sáng kiến này.

Quyết định của Ý tham gia “Vành đai và Con đường” và ký kết các thỏa thuận làm ăn với Trung Quốc đã khiến Mỹ và EU lo ngại trước những ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh ở châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas vào thời điểm đó đã cảnh báo rằng nếu một số quốc gia “nghĩ rằng họ có thể thực hiện các giao dịch khéo léo với Trung Quốc, thì họ sẽ gặp phải một cú va chạm”.

Ý đã thất bại trong việc xây dựng bản ghi nhớ có thể mang lại các khoản đầu tư sinh lợi cũng như không đạt được kết quả thúc đẩy kinh tế như mong đợi.

Thời gian qua, Ý đã củng cố lập trường đối với Trung Quốc liên quan các vấn đề dân quyền, hay hạn chế sự tham gia phát triển mạng 5G của tập đoàn Huawei.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm