"TP đang phối hợp với các nhà đầu tư BOT để hoàn tất thủ tục chuyển từ mức thu phí sang mức thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ và thực hiện nghiêm nguyên tắc không tăng giá trong thời gian tới", sáng 19-9, tại buổi cà phê sáng với báo giới, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin như trên.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT: "TP sẽ kiểm soát chặt nhà đầu tư BOT để họ không tăng giá qua trạm làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp vận tải."
Ông Lâm lý giải thêm, lâu nay thực hiện việc thu phí qua các trạm BOT trên cơ sở mức phí do HĐND TP quyết định. Nay thực hiện thu theo giá thì mức giá trần sẽ do TP đưa ra và từng nhà đầu tư BOT được đưa ra mức thu cụ thể ở trạm của mình nhưng không được vượt quá mức trần này.
TP sẽ kiểm soát chặt mức thu này. "Nguyên tắc chung là các trạm BOT sẽ không được tăng giá trong thời gian tới. Với lưu lượng xe ô tô các loại ở TP tăng 10-15%/năm thì sẽ chỉ có việc ngày càng giảm về mức giá và thời gian thu", ông Lâm nhận định.
Ông Lâm cũng thông tin, hiện Sở GTVT đang xây dựng phương án thu tiền không dừng tại các trạm BOT trên địa bàn do Sở quản lý như trạm An Sương - An Lạc, trạm Xa lộ Hà Nội, trạm cầu Phú Mỹ...
Tới đây, các trạm BOT ở TP sẽ phải thực hiện thu tiền tự động không dừng.
Về kỹ thuật, sẽ thống nhất tất cả các trạm không sử dụng loại OBU một mảnh hoặc hai mảnh nữa....
Loại OBU một mảnh gắn trên kính xe, bên trái người lái sẽ không dùng nữa.
... và cả loại OBU hai mảnh cũng sẽ bị loại bỏ.
Tất cả các trạm phải sử dụng thống nhất công nghệ đọc thẻ E-Tag để trên mỗi xe chỉ có một loại thẻ và đi qua được nhiều trạm của các chủ đầu tư BOT khác nhau.
"Theo chủ trương của Bộ GTVT, việc thu phí không dừng sẽ được thực hiện trong năm 2019 nhưng TP sẽ thực hiện việc này trong năm 2018 với mục tiêu lớn nhất là giảm ùn tắc ở các trạm thu BOT và sớm tạo sự minh bạch trong việc thu", ông Lâm nói.
Các trạm BOT ở TP.HCM phải sử dụng thống nhất loại tem E- Tag.