Phía sau những bản án - Kỳ 3: Khi phòng xử náo loạn

Và, tùy vào bối cảnh của những vụ việc mà thẩm phán có những cách ứng xử khác nhau.

Do quá bức xúc

Sáng 26-6-2014, hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM tuyên bố hoãn xét xử vụ án giết người, cướp của và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng vì bị cáo của vụ án là Phạm Mạnh Hùng khẳng định vẫn chưa nhận được bản án sơ thẩm.

Đại diện viện kiểm sát cùng luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đề nghị tòa xem xét hoãn phiên xét xử để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, đại diện gia đình người bị hại không đồng ý bởi họ cho rằng việc hoãn phiên tòa là không công bằng khi họ phải lặn lội đường xa để đến phiên xử.

Dù nhiều lần thẩm phán chủ tọa phiên tòa cùng đại diện viện kiểm sát giải thích nhưng không được thân nhân và gia đình người bị hại chấp thuận, họ cho rằng sẽ ngồi lì ở phiên tòa nếu tòa không xử vụ án luôn hôm ấy. Họ gào khóc, quỳ lạy, nằm ra ghế tại phòng xử và mang theo cả nước uống, đồ ăn vào phòng xử để yêu cầu tòa phải xử vụ án trong ngày chứ không được hoãn.

Tuy nhiên, sau nhiều lần hội ý, đến trưa hội đồng xét xử vẫn quyết định hoãn phiên tòa và dời lịch xét xử vụ án tới ngày 8-7 (sau đó bản án phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị cáo và tuyên y án sơ thẩm là tử hình). Để tạo điều kiện cho thân nhân và gia đình người bị hại được đến dự tòa thuận lợi hơn, buổi xét xử sẽ được tổ chức tại Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau khi tòa tuyên quyết định cuối cùng, một số người trong gia đình người bị hại tấn công cán bộ tòa án khiến các cảnh sát tư pháp phải đưa vị cán bộ này vào phòng trong. Những người này quyết bám trụ tòa án và “nằm vạ” nhất định không chịu về nên bảo vệ phiên tòa đã mời công an phường sang làm việc. Tuy nhiên khi được công an phường giải thích, họ đã rời tòa. Họ cũng nói do quá bức xúc, căm giận với hành vi man rợ của bị cáo cũng như thái độ của bị cáo tại phiên tòa nên đã không kiềm chế được cảm xúc.

Hồ sơ của vụ án cho biết Phạm Mạnh Hùng (42 tuổi, quê tại Lạng Sơn) đã thi hành hai bản án về các tội cướp tài sản công dân, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, cưỡng đoạt tài sản công dân. Năm 2003, Hùng thi hành án xong và vào Vũng Tàu để sinh sống, bản thân Hùng cũng là người sử dụng ma túy từ năm 2007 cho đến ngày bị bắt trong vụ án này.

Trước đó, Hùng và ông C. (41 tuổi, thường trú tại Vũng Tàu) cùng làm trong công ty. Hùng làm nhà thầu phụ thi công các phần công việc nhỏ do ông C. làm chỉ huy trưởng. Hùng khai rằng nhiều lần bị ông C. o ép nên giữa Hùng và ông C. có mâu thuẫn với nhau. Do đó, Hùng có ý định giết ông C. để trả thù.

Chiều 5-4-2013 tại phòng trọ, Hùng đã chuẩn bị nhiều hung khí và đồ vật để thực hiện kế hoạch giết người, sau đó bỏ trốn cho đến khi bị bắt. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt mức hình phạt tổng hợp là tử hình cho ba tội giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Chia sẻ và thông cảm

Trong suốt thời gian diễn ra sự việc, nhiều lần thân nhân người bị hại đã la hét ầm ĩ, nhưng khi cảnh sát tư pháp có mặt tại phiên tòa định đưa họ ra khỏi phòng xử thì thẩm phán Huỳnh Sáng, chủ tọa phiên tòa, đã nhắc nhở những cảnh sát hỗ trợ tư pháp này đừng làm tổn thương họ, bởi ông hiểu rất sâu sắc nỗi đau đớn mà gia đình người bị hại gánh chịu.

Thẩm phán Sáng cho biết trong 30 năm làm thẩm phán, lần đầu tiên ông gặp trường hợp hi hữu như thế. “Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo mức án tử hình, và gia đình người bị hại đã không kháng cáo, chỉ có bị cáo kháng cáo kêu oan một trong ba tội danh đã bị tòa tuyên.

Tòa đã mời đại diện của người bị hại đến tham gia phiên tòa nhưng thân nhân của họ đến rất đông” - thẩm phán Sáng cho biết. Khi vụ việc diễn ra, một thư ký của tòa phúc thẩm tham gia hỗ trợ hội đồng xét xử đã bị một trong những thân nhân của gia đình người bị hại tấn công ngay tại tòa, trước mặt lực lượng cảnh sát.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, vị cán bộ tòa này cho biết anh không khiếu nại hay tố cáo gì hành vi của các thân nhân bị hại: “Có thể họ quá bức xúc nhưng tôi thông cảm với họ”.

“Đây chỉ là hoãn xử mà họ đã thế, nếu tuyên một mức án khác đi với mức án đã tuyên không biết họ còn bực tức đến thế nào”. Thẩm phán Sáng cho biết thêm dù nhận thấy rất nguy hiểm, dù cán bộ tòa án bị tổn thương, dù hội đồng xét xử bị xúc phạm nhưng trong tình huống này ông không thể xử lý khác được.

Những vụ gây náo loạn pháp đình vốn không hiếm, nhưng phần lớn diễn ra khi bản án đã được tuyên và phiên tòa kết thúc, có thể là gia đình bị cáo, cũng có thể là gia đình người bị hại quá đau buồn hoặc cảm thấy không vừa lòng với bản án mà bức xúc. “Nhưng bản án chưa hề được tuyên mà họ đã bức xúc như vậy khiến tôi rất bất ngờ. Chia sẻ và thông cảm với thân nhân người bị hại bởi nỗi mất mát đau đớn của người thân nên các cán bộ tòa án, cảnh sát hỗ trợ tư pháp đều rất mềm mỏng khi xử lý vụ việc” - thẩm phán Sáng nói.

Sau phần xét hỏi và tranh luận, hội đồng xét xử sẽ nghị án. Các thành viên hội đồng xét xử nói gì trong phòng nghị án? Đôi khi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trở thành ý kiến thiểu số, vậy họ sẽ phải ra bản án như thế nào?

Phía sau những bản án - Kỳ 3: Khi phòng xử náo loạn ảnh 1

Thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh chủ tọa một phiên xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM- Ảnh: Nguyễn Hiếu


 *Ông Nguyễn Minh Cảnh, thẩm phán Tòa hình sự, Tòa án nhân dân TP.HCM: “Làm thẩm phán trong những vụ án hình sự, các thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải lường trước được vụ việc từ khi đọc hồ sơ. Và để tránh xảy ra những tình huống gây rối của các đương sự, các thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải làm việc với cảnh sát dẫn giải và bảo vệ phiên tòa để họ có phương án đảm bảo an ninh và trật tự của phiên tòa. Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn có những tình huống xảy ra ngoài dự kiến, khi ấy các thẩm phán phải xử lý kịp thời để tránh gây ra những tổn thất về người và tài sản tại tòa. Cá nhân tôi thấy rằng việc xử lý các tình huống mà các đương sự gây ra tại tòa không phải vụ việc nào cũng cần phải xử lý cứng rắn, mà tốt hơn cả là dự đoán và đề phòng để hạn chế tối đa những tình huống xấu xảy ra”.
 

Rút dao chém vợ trước mặt quan tòa

Đó là một vụ án ly hôn do một thẩm phán (Tòa án nhân dân quận 3, TP.HCM) xử cách đây hàng chục năm. Thẩm phán Trần Nam Bình vẫn còn nhớ có tình tiết là người vợ cảm thấy không còn tình yêu nữa nên làm đơn xin ly hôn, nhưng người chồng không đồng ý. “Khi ấy phòng xử đơn sơ lắm, việc bảo vệ tại phiên tòa cũng sơ sài. Sau nhiều buổi hòa giải không thành thì phải mở phiên tòa. Vậy nhưng khi người vợ vừa cất lời nói nguyện vọng của mình là muốn ly hôn thì người chồng rút luôn con dao ra đuổi chém vợ ngay trong phòng xét xử”.

Cả hội đồng xét xử bất ngờ, thẩm phán lúc đó là nữ nên dường như “chết đứng” trong phòng, cũng không kêu được ai đến ứng cứu. Người vợ chạy lòng vòng mấy vòng mới thoát được khỏi lưỡi dao của chồng.

Theo HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ)

_________

Kỳ tới: Trong phòng nghị án

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm