Trân trọng giới thiệu nội dung cuộc bàn tròn trực tuyến ngày 8/8 với chủ đề: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và lựa chọn cho Việt Nam.
Giàn khoan và sự can dự của các nhóm lợi ích
Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý độc giả VietNamNet. Chuyên mục Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet hôm nay rất vinh dự có sự tham gia cuả hai vị khách mời nổi bật: Giáo sư James D. Bindenagel, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức và Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao.
Trước hết, tôi muốn bắt đầu cuộc bàn tròn hôm nay với sự kiện đã thu hút sự chú ý của công luận quốc tế suốt mấy tháng gần đây. Mặc dù căng thẳng trên Biển Đông đã hạ nhiệt sau khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 về nhưng một số ý kiến cho rằng sự kiện này đã làm thay đổi căn bản cách nhìn nhận của thế giới về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các ông nghĩ sao về ý kiến này?
Từ trái qua phải: TS Nguyễn Hùng Sơn, GS James D. Bindenagel, Nhà báo Việt Lâm |
TS Nguyễn Hùng Sơn: Tôi không biết liệu cách nhìn nhận của thế giới về Trung Quốc có thay đổi hay không nhưng tôi có thể chắc chắn rằng nhận thức của khu vực về Trung Quốc đã thay đổi khi Trung Quốc triển khai những hoạt động quyết đoán nhằm vào những láng giềng gần gũi nhất, vốn được xem là đối tác chiến lược toàn diện của họ. Nay cả khu vực và thế giới có thể tự hỏi nếu Trung Quốc có thể làm như vậy với Việt Nam thì liệu họ còn có thể làm gì nữa với các nước láng giềng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay ASEAN nói chung.
Quan trọng hơn, những câu hỏi lớn cũng được đặt ra như Trung Quốc sẽ trỗi dậy như thế nào? Liệu nước này có tiếp tục trỗi dậy một cách hòa bình hay không? Liệu Bắc Kinh có tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp với các nước láng giềng? Liệu họ có tuân thủ luật pháp quốc tế? Liệu họ có trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế?...Rõ ràng có rất nhiều điều không chắc chắn liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc sau sự kiện giàn khoan.
Đạisứ Bindenagel: Trước tiên, tôi muốn nói rằng tôi rất vui vì được tham gia vào cuộc thảo luận hôm nay, một cuộc thảo luận rất quan trọng và đúng lúc. Về phần người dân Mỹ, năm ngoái Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu của Chicago đã tiến hành một cuộc thăm dò về thái độ của người dân Mỹ đối với chính sách đối ngoại. Liên quan đến Trung Quốc, 69% người Mỹ được hỏi mong muốn can dự một cách hòa bình với Trung Quốc. Tất cả các chỉ dấu đều cho thấy rằng chúng ta tìm kiếm sự trỗi dậy hòa bình mà Trung Quốc đã tuyên bố; khuyến khích sự trỗi dậy hòa bình đó và can dự với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc rất quan trọng đối với Mỹ. Liên quan đến Biển Nam Trung Hoa, như cách họ gọi, hay Biển Đông, như các bạn gọi, hoặc Tây Thái Bình Dương như chúng tôi gọi, rõ rang ở đây có những vấn đề cốt yếu được đặt ra liên quan đến chủ quyền trên các hòn đảo, cũng như các vấn đề khu vực, trong đó có quần đảo Senkaku tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Khi xuất hiện các vấn đề liên quan đến chủ quyền, chúng dẫn đến các vấn đề về lịch sử và chính trị liên quan đến sự trỗi dậy của một cường quốc. Chúng ta thường được chứng kiến trong lịch sử các cuộc xung đột và các phản ứng chống lại từ cường quốc nguyên trạng bị thách thức quyền lực.
Trong trường hợp này, như tôi đã nói, Mỹ đã hết sức nỗ lực để can dự một cách hòa bình và ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Khi quần đảo Senkaku bị Trung Quốc thách thức, Tổng thống Mỹ đã đến Nhật Bản vào tháng Tư vừa qua và làm rõ rằng quần đảo Senkaku nằm trong diện được bảo hộ của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Điều này đã giúp làm giảm căng thẳng xung quanh quần đảo này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo mà họ đang có tranh chấp không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước khác trong khu vực. Việc Công ty Dầu khí Hải ngoại Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đặt giàn khoan trong khu vực tranh chấp là một chỉ dấu cho thấy có điều gì đó hoang đường, điều gì đó đang bị thách thức ở đây. Sự kiện này hiển nhiên đã gia tăng sự chú ý trong khu vực và đặt ra câu hỏi cho chúng ta là vì sao và động cơ nào đã thúc đẩy họ hành xử như vậy.
Có lẽ có một vài nguyên nhân dẫn đến việc này. Một là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng rằng có ba câu hỏi, ba niềm hi vọng đối với Trung Quốc, phù hợp với ưu tiên của họ, đó là quần đảo Senkaku, Đài Loan và Biển Đông. Đó là "Giấc mơ Trung Hoa", khái niệm mà ông Tập Cận Bình sử dụng. Vì vậy câu hỏi là tại sao lại vào thời điểm này. Tôi muốn xem xét và cố gắng tìm hiểu những động lực bên trong Trung Quốc cũng như những nhân tố phía sau sự kiện này. Với những ưu tiên do chính quyền trung ương Bắc Kinh đặt ra, liệu những người chơi như CNOOC hay Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA), hay các nhóm lợi ích khác có được quyền tự do hành động hay không? Và tôi cũng muốn cố gắng hiểu sâu hơn rằng có lẽ CNOOC đã ra quyết định không nhất thiết phải theo đúng hướng đi mà Bắc Kinh vạch ra nhưng phù hợp với các ưu tiên của chính quyền và có thể theo cách riêng của họ. Đối với tôi, các câu hỏi này giúp chúng ta không vội vã tìm câu trả lời mà phải cố gắng tìm hiểu những động lực phía sau, từ đó giúp chúng ta có thể đưa ra những gợi ý về lựa chọn chính sách.
Diễn giải "Giấc mơ Trung Hoa"
Nhà báo Việt Lâm: Tôi đặt ra câu hỏi này bởi vì nếu quan sát các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông một cách hệ thống kể từ năm 2007, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc càng ngày càng trở nên quyết đoán hơn, thậm chí hiếu chiến hơn khi theo đuổi các tuyên bố chủ quyền. Một học giả gốc Hoa cho rằng chúng ta có thể tìm hiểu các động cơ phía sau những hành động đó, nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng cho thấy một đại chiến lược mới (grand strategy) của Trung Quốc đang hình thành. Liệu chúng ta đã có thể phác họa ra đôi nét về đại chiến lược đang hình thành này hay chưa?
TS Nguyễn Hùng Sơn: Chắc chắn là khi Trung Quốc trỗi dậy, họ mong muốn vươn tới một vị trí cao hơn trên sân khấu quốc tế. Một trong những cách diễn giải "Giấc mơ Trung Hoa" là Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường toàn cầu. Từ những gì chúng ta quan sát được về cách hành xử của Trung Quốc, chúng ta có thể nói rằng Trung Quốc bị ám ảnh nặng nề về cái mà họ nhìn nhận là mối đe dọa từ Mỹ và họ mong muốn có thể trấn áp mối đe dọa đó. Và một trong những ý nghĩa của Giấc mơ Trung Hoa là có thể thoát khỏi mối đe dọa từ Mỹ và vươn lên ngang hàng với nước này. Chúng ta có thể thấy đặc điểm đó được biểu hiện trong "Giấc mơ Hải quân của Trung Quốc", đó là trở thành một cường quốc trên biển. Để trở thành một cường quốc biển, Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào các lực lượng và khí tài hải quân cũng như tăng cường khẳng định quyền lực trên biển, quyết đoán hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở cả biển Hoa Đông và biển Đông.
Theo một số học giả, Trung Quốc đã xác định mục tiêu, có thể không phải do lãnh đạo cấp cao trực tiếp vạch ra, mà từ các nhóm lợi ích khác nhau trong nước này rằng đến năm 2021, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc có thể giành quyền thống trị hoặc hoàn toàn kiểm soát các vùng biển trong chuỗi đảo thứ nhất, từ Okinawa (Nhật Bản), qua Đài Loan, Philipines xuống đến Biển Đông. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đang triển khai một số hoạt động để khẳng định chủ quyền và tăng cường sự hiện diện của họ tại các vùng biển này. Chúng ta đang xem xét đến sự kiện giàn khoan nhưng đó không phải chỉ là một sự việc riêng lẻ. Chúng ta cần quan tâm đến các sự kiện khác ở phía nam Biển Đông, chẳng hạn như việc Trung Quốc cải tạo đất trên một số bãi đá ở Trường Sa, hay việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở phía tây và phía đông của Biển Đông, liên quan đến các bãi đá do Philippines kiểm soát.
Do đó, khi nhìn nhận một cách hệ thống, chúng ta thấy rằng mặc dù Trung Quốc có thể không có một chiến lược được hình thành trực tiếp từ cấp lãnh đạo cao nhất, nhưng cấp lãnh đạo cao nhất này ủng hộ các kế hoạch hay hành động do các nhóm khác nhau trong nội bộ Trung Quốc khởi xướng. Đó mới thực sự là nguy hiểm bởi vì họ không làm gì để chấm dứt hành động đó cho dù họ biết rằng việc đó là sai trái.
Đại sứ Bindenagel: Tôi nghĩ rằng đây là lý do vì sao cần phải có những phân tích về xuất phát điểm của Trung Quốc. Cần phải chỉ ra rằng về mặt chiến lược có một sự dịch chuyển căn bản bắt đầu từ những thời kỳ trước và rằng người Trung Quốc có các mối quan ngại lịch sử về hơn 150 năm bị sỉ nhục và thuộc địa hóa, cũng như về các vấn đề đất đai, bao gồm cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên. Sự dịch chuyển này bắt đầu từ vị thế lịch sử của họ và từ các cuộc chiến tranh trên bộ cho đến những gì mà chúng ta chứng kiến hiện nay khi họ thực sự chuyển hướng ra biển. Bởi vì các cuộc xung đột mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay không còn diễn ra trên đất liền nữa mà xảy ra trên biển. Nếu bạn xem xét một cách rộng rãi hơn về những năng lực mà Trung Quốc đang ra sức phát triển, không chỉ là những năng lực xung quanh quần đảo Trường Sa, bãi Scaborough hay những nơi khác, mà còn là những gì họ đang làm về mặt quân sự để hỗ trợ cho các hoạt động này.
Hội chứng "Vương quốc Trung tâm"
Nhà báo Việt Lâm:Chúng ta hãy thử nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của người Trung Quốc. Người Trung Quốc đang có giấc mơ Trung Hoa và lập luận của họ là Trung Quốc đang là một cường quốc về kinh tế và họ có thể sẽ vượt qua Mỹ trong 10-20 năm tới. Lẽ tự nhiên, Trung Quốc cần được hưởng vị trí lãnh đạo thế giới. Hơn nữa, rõ ràng mọi quốc gia đều muốn hưởng lợi từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Vậy tại sao họ lại không ủng hộ vị trí thống trị toàn cầu của Trung Quốc?
TS Nguyễn Hùng Sơn: Xin cho phép tôi được khẳng định rằng không có ai phản đối sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ có thể có một số quan ngại về cách thức mà Trung Quốc trỗi dậy. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng có bất kỳ ai sợ hãi hay không mong muốn Trung Quốc vươn lên. Tôi tin rằng có một sự đồng thuận trong khu vực rằng Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục trỗi dậy. Nhưng điều mà không ai mong muốn là trong tiến trình vươn dậy của Trung Quốc, họ sẽ đồng thời thay đổi luật chơi hoặc thay đổi nguyên trạng đến mức mà không một ai có thể biết được luật chơi mới sẽ là gì. Hoặc họ đơn phương thay đổi luật chơi và các chuẩn mực quốc tế mà cả khu vực đã chấp nhận và ủng hộ trong một thời gian dài. Những luật chơi và chuẩn tắc này là hệ thống quan hệ quốc tế căn bản được thiết lập sau Thế chiến 2.
Do vậy, tôi cho rằng một mặt các nước hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là sự trỗi dậy về mặt kinh tế. Nhưng mặt khác, họ cũng có những kỳ vọng nhất định vào Trung Quốc và sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Cả khu vực mong muốn Trung Quốc sẽ lắng nghe những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và hoạt động trong khuôn khổ mà họ tin rằng cũng có lợi cho Trung Quốc.
Đại sứ Bindenagel: Tất cả chúng ta đều biết cái tên "Vương quốc Trung tâm" (Middle Kingdom) có nghĩa là không phải giữa chúng ta và họ mà là giữa thiên đường và chúng ta. Và tôi nhanh chóng hiểu rằng tôi đã sai. Tôi được biết trong vài tuần ở đây rằng hiện nay người Việt Nam cảm thấy họ đang ở quá gần Trung Quốc nhưng không đủ gần thiên đàng. Tôi không chắc điều đó có đúng hay không nhưng có lẽ đó là một cách để hiểu được câu hỏi về địa vị thống trị và về lập trường của các nước trong khu vực. Chúng ta cần một cơ hội để thảo luận về vấn đề này một cách lý trí nhưng cởi mở mà không liên quan đến những cảm xúc tổn thương nhằm cố gắng đạt tới sự hiểu biết và không tính toán nhầm.
Nhà báo Việt Lâm:Vấn đề mà Đại sứ vừa đề cập được chúng tôi gọi là "hội chứng thiên triều". Đó là nỗi ám ảnh của những nước trong khu vực khi những nước này từng phải quy thuận và cống nạp cho thiên triều Trung Hoa suốt một thời gian dài trong lịch sử thời kỳ phong kiến để tránh bị Bắc thuộc.
Đại sứ Bindenagel: Tôi học tiếng phổ thông (tiếng Trung) một năm ở trường đại học và đó là điều cuối cùng mà tôi còn hiểu được. Và để hiểu hội chứng này, điều quan trọng là bạn định hình cách thức để tiếp cận vấn đề. Tôi không phải là một chuyên gia về Trung Quốc nhưng tôi đã đi và đến Trung Quốc trong nhiều năm. Tôi hiểu rằng đây là một cơ hội. Giữa Trung Quốc và những nước khác trong khu vực từng tồn tại những hận thù lịch sử, đặc biệt là trong 150 năm qua. Không chỉ với Đông Nam Á mà còn có những vấn đề giữa Trung Quốc với Nga khi nước này để mất lãnh thổ vào tay người Nga năm 1890 hay vấn đề giữa Trung Quốc và phương Tây khi bị các nước này thuộc địa hoá. Điều tôi cảm thấy khá thú vị (vì tôi sẽ là giáo sư tại trường Đại học Bonn) là nước Đức đã từng đối mặt với câu hỏi tương tự: nước Đức đã trỗi dậy như thế nào cách đây 150 năm? Tôi không định so sánh với Trung Quốc nhưng rõ ràng trường hợp của Đức gợi lên nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Làm thế nào mà một nước Đức đang trỗi dậy bị rơi vào thảm cảnh trong thế kỷ 20 với thất bại trong hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng nay lại vươn tới đỉnh cao được thế giới tôn trọng? Có lẽ, có những bài học từ trường hợp của Đức mà người Trung Quốc có thể cân nhắc. Tôn trọng nhân phẩm là vấn đề căn bản trong hiến pháp Đức. Biết đâu đây có thể là những bài học mang tính toàn cầu và có thể đóng góp cho các cuộc thảo luận trong những năm tới.
TS Nguyễn Hùng Sơn: Làm thế nào mà Nhật với vai trò của họ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai vẫn được khu vực chấp nhận sau này? Tôi nghĩ đó cũng có thể là một bài học hữu ích.
Đại sứ Bindenagel: Sự chấp nhận, bao dung có vai trò rất quan trọng để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Ghi nhớ quá khứ có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn như chúng ta không được phép lãng quên cuộc chiến tranh Việt Nam: Làm thế nào mà chiến tranh lại xảy ra, tại sao chúng ta lại gây chiến. Nhưng chúng ta cũng cần hướng tới tương lai. Chúng ta không thể làm điều đó bằng cách nhặt nhạnh những mảnh vụn lịch sử và sử dụng chúng để chống lại hoà bình.
TS Nguyễn Hùng Sơn: Điều đó người Việt Nam chúng tôi vẫn luôn nhắc nhau rằng "Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Đại sứ Bindenagel: Vâng, một trong những ấn tượng mạnh mẽ của tôi trong vài tuần ở Việt Nam chính là tinh thần hướng tới tương lai rất mạnh mẽ trong mỗi người dân mà tôi gặp. Nhớ lại những gì xảy ra khi tôi nói chuyện với người Mỹ về thời kỳ đó, tôi cảm thấy thật thú vị khi chứng kiến sự cởi mở và sẵn sàng nhìn về tương lai ở đây. Rõ ràng đó là những bài học hữu ích từ Đông Nam Á.
(còn tiếp)
Theo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng