Nhìn lại hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 9 tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar), báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 14-11 nhận định biển Đông vẫn tiếp tục là chủ đề nóng bỏng.

Ý đồ của Mỹ theo đánh giá từ báo China Daily (Trung Quốc).
Mong chờ COC
Mỹ và Nhật đã cam kết hợp tác với ASEAN bảo đảm an ninh hàng hải.
Tổng thống Obama kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề biển Đông và các nước cần bảo đảm kiềm chế ở mức cao nhất.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và ASEAN đẩy nhanh quá trình tham vấn, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mang tính chất ràng buộc pháp lý.
Trong khi đó, dù vẫn duy trì lập trường chỉ đàm phán trực tiếp với các bên tranh chấp, tại hội nghị lần này Trung Quốc đã tỏ thái độ mềm mỏng hơn.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề nghị các bên tranh chấp khai thác chung trên biển Đông để quản lý các khác biệt. Ông cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hợp tác để đạt mục tiêu kết thúc tranh chấp.
Dù vậy, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định tình hình biển Đông vẫn ổn định thì các nước tranh chấp mà cụ thể là Philippines và Việt Nam vẫn bày tỏ lo ngại.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận tình hình biển Đông vẫn phức tạp.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III thậm chí thách thức Trung Quốc rằng sẽ hành động cứng rắn như báo Asia One (Singapore) ngày 14-11 đã nêu. Ông kêu gọi ASEAN và Trung Quốc phải cho thế giới thấy được hai bên đã sẵn sàng hợp tác giải quyết các mối an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Các nước thành viên khác của ASEAN đều nhất trí sớm hoàn tất COC.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thúc giục các bên liên quan xây dựng niềm tin, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình bởi biển Đông rất quan trọng với an ninh và thịnh vượng khu vực.
Tuy nhiên, đằng sau những lời kêu gọi, những cái bắt tay thân mật là nỗi lo căng thẳng quân sự đang gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Vẫn còn lo ngại
Tại buổi thảo luận nhóm chuyên gia ở Viện Xã hội châu Á tại New York (Mỹ) hôm 12-11 (giờ địa phương), chuyên gia Robert D. Kaplan, thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định cuộc chạy đua vũ trang hải quân, không quân vẫn diễn ra ở Đông Á.
Ông nhận định điều này không có nghĩa chiến tranh sắp xảy ra mà tình hình lo ngại trong khu vực này trở nên cao hơn khi có nhiều tàu chiến xuất hiện.
Chuyên gia Holly Morrow ở Trung tâm Belfer thuộc ĐH Harvard (Mỹ) nhận định dầu và khí đốt ở biển Đông không phải là lý do quan trọng dẫn đến bất đồng mà thực ra bất đồng xuất phát từ các yếu tố chính trị, quyền lực và hình ảnh.
Các chuyên gia ghi nhận Trung Quốc theo dõi rất kỹ các động thái như việc Việt Nam cử các nhà sư ra quần đảo Trường Sa hay các binh sĩ Philippines giao lưu, chơi bóng chuyền với bộ đội Việt Nam.
Các thông tin như tàu Việt Nam và tàu Philippines lép vế khi đối đầu với tàu Trung Quốc trên biển Đông cũng đã được gửi tới Mỹ thông qua các đồng minh.
Chuyên gia Holly Morrow nhận định Trung Quốc vẫn lo lắng về sức mạnh và ý đồ của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Bà khẳng định một khi Trung Quốc khẳng định tham vọng thống trị ở châu Á, ép buộc các nước láng giềng và xua đuổi Mỹ, khi đó Mỹ sẽ ra tay.
Mỹ-Trung đạt thỏa thuận quản lý đối đầu quân sự Reuters ngày 14-11 đưa tin người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeffrey Pool cho biết hôm 12-11, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc thảo luận kín tại Bắc Kinh bên lề hội nghị cấp cao APEC. Tại cuộc thảo luận, Trung Quốc đã nêu vấn đề máy bay giám sát quân sự Mỹ P-8 Poseidon bay gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) hồi tháng 8, nơi đặt căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, đồng thời đề nghị Mỹ hạn chế hoạt động trên không phận quốc tế. Mỹ đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về hạn chế hoạt động của Mỹ trên không phận quốc tế và trên biển ngoài biên giới các nước ven biển. Mỹ cũng không đồng ý hạn chế hoạt động với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Sau cuộc thảo luận, Tổng thống Obama đã thông báo một số thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Kênh truyền hình NDTV (Ấn Độ) ngày 14-11 cho biết thỏa thuận Mỹ-Trung nêu rõ mỗi nước phải thông báo cho nước kia về các hoạt động quân sự, trong đó có các cuộc tập trận, các nguyên tắc hành vi khi đối đầu trên biển và trên không. Thỏa thuận cũng đưa ra các hướng dẫn liên quan đến đối đầu giữa tàu hải quân hai nước cùng các hướng dẫn quản lý đối đầu trên không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các thỏa thuận quân sự Mỹ-Trung là kết quả của hơn 10 vòng tham vấn sâu và là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết về ý định chiến lược của hai bên. Tuyên bố cho hay Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ và nắm bắt cơ hội tiếp tục trao đổi quân sự, xây dựng niềm tin, hợp tác và giải quyết các khác biệt. Tiêu điểm Trong tuần này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III trở thành đồng minh thứ hai của Mỹ sau Nhật bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, cử chỉ thân mật này chưa thể làm yên ắng tình hình biển Đông. Báo BANGKOK POST |