Hình ảnh này nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Một luồng ý kiến cho rằng đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng Việt. Vì động thái trên cho thấy từ khi cung cách “bán xăng kiểu Nhật Bản” xuất hiện, các cây xăng Việt đã có sự thay đổi dù là rất nhỏ.
Kỳ vọng sự thay đổi này không chỉ dừng lại ở việc dựng hình nhân biết “Xin chào quý khách”, “Cảm ơn quý khách”… mà cần phải làm nhiều hơn.
Hình nhân dựng tại một số trạm xăng to bằng nhân viên, đứng giơ tay “Xin chào quý khách”, “Cảm ơn quý khách”.
Luống ý kiến khác lại cho rằng đây chỉ là sự thay đổi mang tính hình thức, không thực chất. Bởi thực tế cho thấy hiện nay không hiếm trường hợp người tiêu dùng mua phải xăng dỏm, xăng kém chất lượng, vừa mất tiền vừa hỏng xe.
Thậm chí với nhiều người bức xúc cho rằng “hễ đi mua xăng là mua cái sự thiếu do đong gian bán lận”.
Hơn nữa, “bán xăng kiểu Nhật” không chỉ là hình ảnh cúi chào của lãnh đạo lẫn nhân viên ở trạm xăng người Nhật mà đó còn uy tín, chất lượng; là bán đủ, bán đúng (bán xăng chính xác đến 0,01 lít) và tôn trọng khách hàng; là thái độ phục vụ, là chào khách, lau chùi xe... cho khách.
Như vậy, những việc mà cây xăng Việt có thể làm ngay để lấy lại uy tín với khách hàng bán đúng, bán đủ, chính xác, chất lượng bảo đảm và uy tín. Đừng bơm thiếu, tăng giá nhanh, hạ giá chậm, nhân viên thiếu nhiệt...
Người Nhật đã vào Việt Nam bán xăng, do vậy cây xăng Việt hãy cạnh tranh thực sự chứ đừng cạnh tranh bằng khẩu hiệu. Hãy giữ chân khách hàng bằng yếu tố con người, phải học nước ngoài về cách tôn trọng khách hàng, đừng vì ỉ vào vị thế độc quyền nhà nước mà xem thường hay thờ ơ với người đổ xăng.
Nếu không có sự thay đổi trong tư duy, cung cách bán hàng thì rất có thể cây xăng Việt sẽ thua trên sân nhà. Thua không phải vì đối thủ mà vì ta không chịu đổi mới.
“Bán xăng kiểu Nhật” không chỉ là hình ảnh cúi chào của lãnh đạo lẫn nhân viên ở trạm xăng người Nhật mà đó còn là uy tín, chất lượng, chính xác, tôn trọng khách hàng.