Học láng giềng cách làm thương hiệu

Được biết sản phẩm cà phê Dao vốn đã được xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ý, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore trước khi đưa vào thị trường Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp (DN) này tự tin cho biết dù thị trường cà phê hòa tan Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng mà Dao Coffee có thể cạnh tranh tốt ở Việt Nam. Lấy ví dụ, hiện thị trường cà phê hòa tan Việt Nam chủ yếu là cà phê Robusta, trong khi DN cà phê Lào lại chuyên sản xuất cà phê Arabica nên sẽ mang lại một hương vị mới cho người tiêu dùng.

Tương tự cà phê, đối với mặt hàng gạo, trước đây Lào, Campuchia chỉ là những nước tự cung tự cấp lương thực chứ đừng nói đến hai chữ xuất khẩu. Vậy mà năm 2013, xuất khẩu gạo Campuchia đã tăng kỷ lục 80% so với năm 2012, đạt mức 400.000 tấn. Nước này còn dự tính đến năm 2015 sẽ đạt mức 1 triệu tấn gạo xuất khẩu. Cơ quan lương thực Campuchia còn cho biết sẽ tăng gấp đôi lượng gạo xuất khẩu vào châu Âu và Hàn Quốc trong năm 2014, đồng thời còn cạnh tranh trong cuộc đấu thầu bán gạo cho Philippines với Việt Nam.

Điều đáng nói là chất lượng. Năm 2013 vừa qua Campuchia đã bắt đầu xuất khẩu gạo sạch hữu cơ sang Mỹ, Đức. Chất lượng, thương hiệu gạo Campuchia đã được khẳng định qua giá cả khi giá gạo xuất khẩu nước này luôn cao hơn gạo Việt Nam từ 75 đến 85 USD/tấn gạo cùng loại. Tương tự Campuchia, Lào cũng đang đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay với những sản phẩm gạo truyền thống có chất lượng đủ khả năng cạnh tranh.

Trong khi đó, nhìn lại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lẫn cà phê thuộc loại tốp đầu thế giới, mà không khỏi xót xa vì các DN gặp không ít khó khăn. Nhiều DN cà phê đang phải đối mặt với thua lỗ, phá sản hàng loạt trong mấy năm qua do tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp, thương hiệu cà phê chỉ quẩn quanh sân nhà. Còn đối với mặt hàng gạo, dù có tiếng nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới nhưng gạo Việt lại không có thương hiệu, giá gạo có lúc thấp nhất thế giới.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng cách làm thương hiệu lẫn xuất khẩu sản phẩm của DN Việt Nam có vấn đề, thiếu sự chủ động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng... Thiết nghĩ không cần học ở đâu xa, các DN Việt chỉ ngó sang cách làm của các nước láng giềng, tuy chậm mà chắc.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm