"Sẽ đơn giản tối đa thủ tục cấp phép đầu tư"

Tại diễn đàn, đề cập về những vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết: “Tỉ lệ hồ sơ trễ hẹn của năm 2013 rất lớn”. Cụ thể, số ngày trễ hẹn nhiều nhất là 222 ngày, trung bình trễ hẹn là 22 ngày và thời gian giải quyết một hồ sơ nhiều nhất là 257 ngày, trung bình là 58 ngày.

Cũng theo ông Hà, các khó khăn hay gặp phải khi cấp giấy chứng nhận đầu tư là việc lấy ý kiến các bộ, ngành, các sở. Ngoài ra, sự không thống nhất, chồng chéo của các quy định hiện hành cũng gây nhiều vướng trở. Dẫn chứng một trường hợp cụ thể, ông Hà nói đúng ra thời gian cấp phép đầu tư cho DN chỉ 15 ngày nhưng phần lớn bộ, ngành trả lời trễ một tháng, không ít trường hợp trên hai tháng so với quy định. Thậm chí nhiều hồ sơ kẹt, TP.HCM hỏi các bộ nhưng bộ không trả lời hoặc trả lời rất chung chung! Chẳng hạn, khi hỏi về cấp phép đối với lĩnh vực thực phẩm, một bộ trả lời rằng: “Đề nghị công ty phải tuân thủ nghiêm túc các quy định đối với lĩnh vực kinh doanh thực phẩm”.

Để khắc phục những bất cập này, ông Hà đề nghị chỉ xin ý kiến bộ khi cần thiết. Đồng thời, công khai quá trình xử lý hồ sơ trên mạng và giảm bớt thủ tục…

Trao đổi lại hướng giải quyết những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết quan điểm của bộ là sẽ đơn giản cao nhất thủ tục cấp phép đầu tư, làm sao chỉ cần những thủ tục tối thiểu nhất để quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn lại các thủ tục không cần thiết phải bỏ.

Bộ trưởng cho biết thêm hướng sắp xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi, bộ sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư của DN FDI, trừ bốn lĩnh vực mà hiện nay đang nghiên cứu giữ lại: Một là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (ví dụ cấp phép thành lập ngân hàng); hai là liên quan đến đất đai mà sử dụng lượng đất đai quá lớn, vài trăm hecta; ba là ngành nghề gây ô nhiễm môi trường lớn và bốn là những DN cần có chứng nhận đầu tư để ưu đãi đầu tư.
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư như từ ngày 1-1-2016 thuế thu nhập DN sẽ giảm xuống còn 20% (hiện nay là 22%) và 17% đối với nhóm đầu tư ưu đãi. Cùng đó, nhiều thủ tục của các ngành khác đều sẽ giảm bớt, các thủ tục về đất đai sẽ được minh bạch hơn và các yêu cầu của DN sẽ được giải tỏa.

MẠNH LÊ

Từ năm 1988 đến tháng 3-2014, TP.HCM có khoảng 4.990 dự án FDI với tổng số vốn là 34,118 tỉ USD. Trong đó riêng năm 2013, TP.HCM nhận 2.218 hồ sơ xin cấp phép đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm