Chính sách mới phí, lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017 (P2)

Phí xác nhận văn bằng tối đa là 500.000 đồng
Từ 1-1-2017, tổ chức, cá nhân làm thủ tục xác minh giấy tờ, tài liệu để công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (gồm: Bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ) phải nộp phí theo quy định.
Mức thu phí xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp (bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng) là 250.000 đồng/văn bằng;
Xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài hợp pháp cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài là 500.000 đồng/văn bằng.
(Theo Thông tư số 164/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ, tài liệu để công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam).
Mua bán xe ô tô lần 2, nộp phí trước bạ 2%
Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, thay thế Nghị định Nghị định 45/2011/NĐ-CP và Nghị định 23/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 nêu rõ: ô tô chở người từ chín chỗ trở xuống, nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Ngoài ra, ô tô chở người từ chín chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10% (quy định cũ quy định từ 10% đến 20%).
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, HDND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung (quy định cũ không ấn định mức trần này).
Đối với các loại tài sản khác (không phải nhà đất, ô tô), mức thu lệ phí trước bạ đối với tài sản khống chế tối đa là 500 triệu đồng/1 tài sản/lần trước bạ, trừ ô tô chở người từ chín chỗ trở xuống, tàu bay, du thuyền. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn thi hành cụ thể quy định này.
7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Lần đầu tiên Chính phủ cho phép được miễn lệ phí trước bạ, theo đó có bảy trường hợp được miễn lệ phí môn bài gồm:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
(Theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017)
 
Miễn lệ phí khi nhận nuôi con nuôi
Từ 1-1-2017, miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với các trường hợp: Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; người nhận các trẻ khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi; người có công với cách mạng nhận con nuôi.
Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài; nhận hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột làm con nuôi thì từ trẻ em thứ hai trở đi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài.
Ngoài ra, mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 400.000 đồng/trường hợp.
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 9 triệu đồng/trường hợp;
Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 4,5 triệu đồng/trường hợp…
(Theo Nghị định 114/2016/NĐ-CP quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017).
Cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 triệu
Từ 1-1-2017, mức lệ phí cấp mới giấy phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 5 triệu đồng/lần.
Trường hợp cấp đổi, cấp lại, mức lệ phí là 2,5 triệu đồng/lần.
Phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam tại Đài Loan là 1.000 Đài tệ/hồ sơ và 100 Ringgit/hồ sơ nếu tại Malaysia.
Phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cá nhân trong nước đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản là 100.000 đồng/hồ sơ.
(Theo Thông tư 259/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ tài liệu, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).
Lệ phí đăng ký, cấp biển số xe tối đa 20 triệu
Từ 1-1-2017, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ô tô con không hoạt động vận tải hành khách dao động từ 2 triệu đến 20 triệu đồng/lần/xe tại TP Hà Nội và TP.HCM;
1 triệu đồng/lần/xe tại các thành phố trực thuộc trung ương khác, các thành phố trực thuộc tỉnh và 200.000 đồng/lần/xe tại các địa phương còn lại.
Với các loại ô tô khác, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số là 150.000 đồng/lần/xe, riêng Hà Nội và TP.HCM, mức lệ phí tối đa là 500.000 đồng/lần/xe.

Chính sách mới phí, lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017 (P2) ảnh 1

Với xe máy, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số được quy định như sau: Tại Hà Nội và TP.HCM, với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống, lệ phí là từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần/xe; trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng là 1-2 triệu đồng/lần/xe và trên 40 triệu đồng là 2-4 triệu đồng/lần/xe…
(Theo Thông tư số 229/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).
Phí thẩm định tiêu chuẩn luật sư cao nhất là 20 triệu
Từ ngày 1-1-2017, phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư là 800.000 đồng.
Phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam là 20 triệu đồng; phí thẩm định điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam là 5 triệu đồng.
Phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam là 5 triệu đồng.
Đặc biệt, giảm lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề luật sư từ 400.000 đồng xuống còn 100.000 đồng/lần.
(Theo Thông tư số 220/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hoạt động hành nghề luật sư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017).

Xem thêm: Chính sách mới về phí và lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017 (P1)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm