Xét xử đồng phạm của ‘siêu lừa’ Huỳnh Thị Huyền Như

Tại phiên tòa, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (cựu quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Chi nhánh Ngân hàng VietinBank TP.HCM) cũng có mặt với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong hai ngày 23 và 24-9.

Ngọc được xác định là đã tiếp tay cho Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 670 tỉ đồng của ACB. Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, cựu phó chủ tịch ACB) cùng đồng phạm vào giữa năm 2014, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Ngọc ngay tại tòa.

Huỳnh Thị Bảo Ngọc (trái) và Huỳnh Thị Huyền Như (phải) tại phiên tòa. Ảnh: T.PHAN

Theo cáo trạng, năm 2010, Thường trực HĐQT ACB đã thống nhất chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền đồng và USD tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất vượt trần quy định của Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, Ngọc liên hệ với Huyền Như để thỏa thuận việc gửi tiền tiết kiệm tại VietinBank TP.HCM. Người gửi sẽ được hưởng lãi suất vượt trần 3,8%-4,5%/năm, còn Bảo Ngọc được hưởng lãi suất 0,1%-1,5%/năm. Lãi suất ngoài hợp đồng sẽ trả trước vào tài khoản của người gửi được mở tại VietinBank TP.HCM và chỉ được rút khi đến hạn thanh toán; riêng Ngọc sẽ được trả trước theo chỉ định.

Từ ngày 21-7 đến 5-9-2011, Ngọc chỉ định 17 nhân viên ký 32 hợp đồng ủy thác gửi tiền với ACB, đồng thời ký 32 hợp đồng gửi tiền với VietinBank TP.HCM. Sau đó, ACB đã chuyển gần 670 tỉ đồng vào tài khoản thanh toán của 17 nhân viên mở tại VietinBank TP.HCM. Nhận số tiền trên, Huyền Như chuyển hơn 10 tỉ đồng vào tài khoản của các nhân viên ACB để trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, chuyển hơn 3,7 tỉ đồng vào tài khoản của chị gái Ngọc để trả lãi chênh lệch riêng cho Ngọc.

Theo nội dung hợp đồng gửi tiền, các chủ tài khoản đã ký các lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, Ngọc không yêu cầu 17 nhân viên gửi tiền phải nhận các thẻ tiết kiệm để quản lý. Từ sự tiếp tay này của Ngọc, “siêu lừa” Huyền Như đã chiếm đoạt gần 670 tỉ đồng tiền gửi bằng việc làm giả chín lệnh chi của sáu chủ tài khoản để chuyển hơn 120 tỉ đồng đến tài khoản người khác. Ngoài ra, Huyền Như còn lập 89 thẻ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 530 tỉ đồng nhưng không giao cho các chủ thẻ.

Tại phiên xử phúc thẩm xét xử Huyền Như hồi tháng 1-2015, tòa phúc thẩm đã phạt Huyền Như án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời kiến nghị cơ quan CSĐT khởi tố một số người giúp sức cho Huyền Như, trong đó có Ngọc.

Quá trình điều tra, Ngọc không thừa nhận có yêu cầu Huyền Như phải trả riêng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng 0,1%-1,5%/năm. Tuy nhiên, CQĐT xác định Ngọc đã giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt gần 670 tỉ đồng của ACB nên đã cấu thành tội lừa đảo.

Liên quan đến việc ủy thác gửi tiền của ACB, một loạt lãnh đạo cấp cao của ACB đã bị phạt tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó bầu Kiên bị 18 năm tù, Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB) bị tám năm tù…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...